Y, bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Nguyễn V. Đ. ở Trung tâm Nhi khoa, BVTW Huế |
Bỏ tết, theo con lên bệnh viện
Tối 4/2, ba anh em họ ở Phú Xuân (Phú Vang) cùng được chuyển vào Khoa Cấp cứu BVTW Huế vì bị bỏng do pháo tự chế. Trong số này, có hai anh em trong một gia đình là Nguyễn Văn G. 14 tuổi, em gái Nguyễn T.T.L. (4 tuổi). Hiện, T.L. vẫn đang được hồi sức tích cực ở Trung tâm Nhi. Ngoài hai anh em nói trên, còn có một người bà con khác là em Nguyễn V.Đ. (HS lớp 7).
Anh Nguyễn Văn T., cha của bé Nguyễn V. Đ. kể lại: “Cả nhà mới ăn cơm xong, tui lúi húi dọn dẹp trong nhà. Các cháu lấy thuốc súng chơi chung không ai hay biết. Nghe tiếng la hét khóc lóc, người lớn vội vàng chạy lên đưa mấy đứa đi bệnh viện cấp cứu. Hiện trường còn loại thuốc súng rải trên giấy, dùng lửa đốt bên dưới chơ cũng không rõ là pháo gì. Nghe kể cháu G. mua trên mạng về chơi”.
Nằm trên giường bệnh, gương mặt Đ. bị bỏng cháy xám, dịch bắt đầu rỉ ra khiến em đau rát song cậu bé vẫn rất hợp tác với các bác sĩ khi thăm khám, kiểm tra vết thương. Nhìn thấy con, anh T. vừa giận vừa thương, song cũng an ủi: “May cháu nó còn nhận biết mọi thứ chứ con bé T.L. chưa ra khỏi phòng hồi sức, ba mẹ nó bên ngoài chạy lui chạy tới sốt cả ruột gan. Chừ còn có tết mô nữa. Công an địa phương cũng yêu cầu gia đình cung cấp thông tin về loại pháo nên cả nhà giờ rối như mớ bòng bong”.
ThS.BS. Phan Lê Hiếu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BVTW Huế, nơi đầu tiên tiếp nhận các bệnh nhân (BN) bỏng do pháo, thông tin: “4 ca toàn là trẻ nhỏ bị bỏng vùng mặt, cổ, tay. Chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân tai nạn rồi cho giảm đau, an thần, truyền dịch, kháng sinh. Cùng với đó là đánh giá trẻ có bị ảnh hưởng đến chức năng sống hay không nhằm can thiệp kịp thời, lưu ý nhất là phù nề vùng cổ để quyết định đặt nội khí quản sớm. Các y, bác sĩ cũng xử lý vết thương tránh nhiễm trùng và mất nước”.
ThS.BS Hồ Đăng Quân, Phó khoa Khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi cho hay, hai bệnh nhi hiện đã ổn định, diện tích bỏng khoảng 10%-16%. Chúng tôi đang cho chuyền dịch và dùng kháng sinh. Cháu Nguyễn T.T.L. có diện tích bỏng nhiều hơn và bỏng sâu hơn: mặt, bàn tay, cẳng chân hai bên; tình trạng sưng phù.
Di chứng nặng nề, điều trị dài lâu
Trong khi đó, hai trường hợp khác tại Khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình di chứng cũng đã tỉnh táo, giao tiếp bình thường với y tá, bác sĩ. Cháu Nguyễn Văn Ch. (14 tuổi) ở Lộc Hòa, Phú Lộc bị bỏng cháy vùng mặt, cẳng bàn tay, chân, bụng, ngực... bỏng diện rộng trên 12%. Riêng vùng tay bỏng sâu, cháy, bác sĩ đang chăm sóc và lên lịch phẫu thuật cho cháu.
Nguyễn Văn Ch. đang chờ lịch phẫu thuật do bỏng pháo tự chế |
Ch. nói: “Em xin người quen bột màu đen bỏ trong túi (nghe kể là mua trên mạng). Sau đó, em cùng một bạn nữa làm pháo để đốt thì bị bắt lửa, cháy bỏng rát cả mặt. Bạn kia bị nhẹ đã được đưa đi trạm y tế vệ sinh vết thương, còn em chạy về nhà kêu cứu. Ban đầu, do không cảm giác đau nên ở nhà. Hai ngày sau vết thương chảy dịch và đau rát nên anh chị mới bắt taxi đưa em đến bệnh viện. Chừ người em nhức nhối lắm”.
BSCK II Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình di chứng, cho biết: “Các bệnh nhi được tích cực hồi sức nên có hai ca được chuyển về khoa tiếp tục chăm sóc, theo dõi sát. Riêng trường hợp Ch. phải tiến hành phẫu thuật. Bỏng do pháo, nếu chăm sóc không tốt và bỏng sâu sẽ để lại sẹo xấu, co rút, điều trị dài lâu, nguy hiểm tính mạng; ảnh hưởng đến chức năng vận động và chức năng sống về sau. Do đó, người dân không đốt pháo tự chế hoặc mua qua mạng tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.
Theo ThS.BS. Phan Lê Hiếu, việc điều trị nhiễm trùng bỏng do pháo sẽ tốn kém và mất thời gian vì da là vùng bảo vệ cơ thể. Đặc thù bỏng do pháo ngoài bỏng nhiệt còn bỏng áp lực và gây ra nhiều tổn thương: gãy tay - chân, chấn thương vùng đầu mặt - cổ. Xử lý loại bỏng này khá phức tạp, phải xử lý tổng hợp nếu BN bị nhiều vết thương. Với vùng mắt bị dị vật vào trong, nên rửa mắt dưới dòng nước sạch cho trôi dị vật; dùng gạc sạch ướt đắp lên vết thương. Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian như kem đánh răng, thuốc dấu… tránh gây tổn thương nặng nề thêm. Nếu bị gãy tay chân thì băng ép cố định chỗ gãy. Sau đó, đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Hai năm vừa qua không có trường hợp nào bị tai nạn do pháo trên địa bàn tỉnh. Giáp tết này lại rộ lên ở một số tỉnh, thành và xuất hiện ngay tại Thừa Thiên Huế. Ngành chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý chế tạo pháo nổ dưới mọi hình thức. Phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương cần tuyên truyền cấm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép nhằm ngăn ngừa vi phạm và tai nạn xảy ra. Đặc biệt, các gia đình cần giám sát, quản lý trẻ, tránh việc xem và làm theo pháo tự chế trên các kênh mạng xã hội.