Xe ô tô buýt thoáng nóc 1 tầng chở khách ngang qua chợ Đông Ba

Thêm dịch vụ, thêm trải nghiệm mới

Những ngày cuối tháng Chạp năm Quý Mão, Chi nhánh Huế - Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội chính thức tổ chức vận hành dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô buýt thoáng nóc trên địa bàn tỉnh. Đây là dịch vụ vận chuyển khách du lịch nước ngoài và trong nước tham gia trải nghiệm tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của TP. Huế.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, sự ra đời của xe ô tô buýt 1 tầng thoáng nóc này ngay trước Tết Giáp Thìn sẽ góp phần đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho city tour. Mỗi loại hình sản phẩm, dịch vụ có những trải nghiệm thú vị riêng. Hình thức thiết kế mới mang lại sự trải nghiệm khác biệt cho du khách, không lo nắng mưa; các tuyến điểm cũng có sự khác biệt để tạo thêm trải nghiệm cho khách.

Dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô buýt thoáng nóc mới trên địa bàn tỉnh có hai tuyến. Tuyến đầu tiên có chiều dài 34km, với lộ trình là: Bến thuyền Tòa Khâm – Lê Lợi – Cầu Trường Tiền – Trần Hưng Đạo – Chợ Đông Ba – Trần Hưng Đạo – Cửa Ngăn – Ông Ích Khiêm – Đoàn Thị Điểm – Đặng Thái Thân – Lê Huân – Yết Kiêu – Nguyễn Trãi (Cửa Nhà Đồ) – Lê Duẩn – Kim Long – Nguyễn Phúc Nguyên – Chùa Thiên Mụ - Nguyễn Phúc Nguyên - Kim Long - Cầu Dã Viên - Bùi Thị Xuân - Điện Biên Phủ - Lê Ngô Cát - Huyền Trân Công Chúa (Làng Hương) - Đoàn Nhữ Hải (Lăng Tự Đức) - Đoàn Nhữ Hải - Huyền Trân Công Chúa - Lê Ngô Cát - Minh Mạng - Quốc Lộ 49 - Khải Định (Đồi Thiên An & Lăng Khải Định) - Khải Định - Quốc lộ 49 - Minh Mạng - Ngự Bình (Đàn Nam Giao) - Phan Bội Châu - Lê Lợi (Trường Quốc Học Huế) - Bến thuyền Tòa Khâm.

Đối với tuyến thứ 2, khách sẽ đi quãng đường dài 10 km theo tuyến vòng tròn với lộ trình gồm: Bến thuyền Tòa Khâm – Lê Lợi – Cầu Trường Tiền – Trần Hưng Đạo – Chợ Đông Ba – Trần Hưng Đạo – Cửa Ngăn – Ông Ích Khiêm – Đoàn Thị Điểm – Đặng Thái Thân – Lê Huân – Yết Kiêu – Nguyễn Trãi (Cửa Nhà Đồ) – Lê Duẩn – Cầu Dã Viên – Bùi Thị Xuân – Cầu Ga – Lê Lợi - Hà Nội (Vincom Plaza Huế) – Bến Nghé – Đội Cung – Bến thuyền Tòa Khâm.

 Khách trải nghiệm đi trên xe ô tô buýt thoáng nóc 1 tầng

“Tuyến 1 có 3 mức giá vé, gồm vé 1 lượt là 110.000 đồng; vé 4 giờ là 150.000 đồng; vé ngày là 300.000 đồng. Tuyến này hoạt động theo khung giờ từ 7h30 đến 21h (giờ mùa hè) và từ 8h30 đến 19h30 (giờ mùa đông). Tuyến có 2 mức giá vé, gồm vé 1 lượt là 110.000 đồng; vé 2 giờ là 150.000 đồng. Tuyến này hoạt động theo khung giờ từ 7h30 đến 21h (giờ mùa hè) và từ 8h30 đến 19h30 (giờ mùa đông). Ngoài khung giờ hoạt động nói trên, đơn vị sẽ phục vụ du khách theo hợp đồng; kéo dài thời gian phục vụ hành khách đối với các ngày lễ, tết và ngày có sự kiện đặc biệt của tỉnh”, đại diện Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội cho biết.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều ý tưởng, dịch vụ, sản phẩm du lịch gắn với city tour sẽ được triển khai thực hiện. Trong đó, ngành du lịch và doanh nghiệp đang nghiên cứu, kêu gọi đầu tư mô hình xích lô với dòng xích lô chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Với ý tưởng này, xe xích lô sẽ được làm lại với màu sắc, kiểu dáng thu hút, để khách có thể check-in.

 Khách trải nghiệm tham quan thành phố Huế bằng xích lô

Loại hình trải nghiệm thành phố bằng xe đạp cũng có sự đổi mới. Trong tháng 1/2024, UBND TP. Huế phối hợp với Công ty cổ phần Vietsoftpro tổ chức tái khởi động hệ thống xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm thành phố với 200 xe đạp tại 7 trạm xe. Công ty Vietsoftpro và các đơn vị liên quan đã hoàn thiện phần mềm, trang bị thêm hệ thống khóa 4G và đã triển khai việc lắp đặt hệ thống khóa mới lên xe đạp. Người dân và du khách tải ứng dụng Hue Smart Bike để tra cứu vị trí các trạm xe cũng như sử dụng dịch vụ. Qua đó tạo ra một sản phẩm du lịch thể thao trải nghiệm, hấp dẫn, bền vững về sức khỏe và bền vững về môi trường, lan tỏa phong trào đi xe đạp trong cộng đồng dân cư.

Mới đây, (ngày 4/2, tức ngày 25 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức khai trương tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long (xã Hương Thọ, TP. Huế). Trong thời gian đầu, Trung tâm sẽ triển khai đầu tư xe, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ sẵn có, phát hành các loại vé khác nhau nhằm đa dạng hóa và đáp ứng nhu cầu lựa chọn dịch vụ cho du khách. Trong đó, dự kiến có 3 xe ô tô điện, loại 11 chỗ; 23 xe đạp điện và 50 chiếc xe đạp. Theo đánh giá của ngành du lịch, du lịch xanh, thân thiện môi trường đang là xu hướng. Những dịch vụ này ra đời sẽ mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách không chỉ trong dịp Tết mà còn là cả hành trình thú vị mỗi khi khách đặt chân đến Huế.

Đa dạng city tour đường bộ, đường sắt, đường sông

Năm mới Giáp Thìn - 2024 có thể là một năm mà city tour ở Huế khoác áo mới. Ngoài các sản phẩm, dịch vụ du lịch đã nói thì theo lãnh đạo Sở Du lịch, cả hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông tới đây sẽ có nhiều dịch vụ làm đa dạng city tour.

Bên cạnh hệ thống xe điện đưa đón khách ở Đại Nội Huế, sẽ có hệ thống xe điện phục vụ khách tham quan các tuyến điểm bên trong nội thành. Đối với đội ngũ xích lô, ngành du lịch sẽ xây dựng các cẩm nang với thông tin ngắn gọn, đơn giản, dễ nhớ về các điểm tham quan, dịch vụ du lịch để khi họ chở khách vừa có thể giới thiệu thêm thông tin cho khách.

 Du khách tìm hiểu thông tin về Hue City Tour

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, năm 2024, dự kiến sẽ có nhiều trải nghiệm, sản phẩm du lịch cho khách với xe buýt 2 tầng thoáng nóc, xe đạp, xích lô, trong đó có các tour xích lô cho khách Nhật…

Đối với đường sắt, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, chính quyền địa phương 2 tỉnh thành Huế - Đà Nẵng phối hợp với Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam và các doanh nghiệp đang xúc tiến, triển khai khai thác đoàn tàu du lịch Đà Nẵng - Huế. Khi đoàn tàu du lịch chạy hàng ngày giữa Đà Nẵng - Huế được khai thác, ngành du lịch, các doanh nghiệp hướng đến không chỉ phục vụ được khách du lịch đi lại, kết nối được các vùng đất di sản miền Trung mà còn kết nối city tour khám phá Huế.

 Khách ghi lại những bức ảnh kỷ niệm khi khám phá Huế trên xe ô tô buýt thoáng nóc

Ở đường sông, theo lãnh đạo Sở Du lịch, UBND tỉnh cũng đã giao UBND TP. Huế, Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch và các doanh nghiệp triển khai để có sản phẩm thuyền du lịch thay thế thuyền rồng cũ, mở các tuyến trải nghiệm từ sông Hương vào sông Ngự Hà.

Lãnh đạo ngành du lịch tin tưởng, từ những trải nghiệm các dịch vụ mới mở ra, du khách sẽ thêm hài lòng khi khám phá mảnh đất, con người miền Hương Ngự dễ thương, dễ nhớ.

HỮU PHÚC