Bà Liên (60 tuổi) bốc hàng cho tiểu thương ở chợ đầu mối Phú Hậu

“Áo ướt thì… tết no”

Hơn 12 giờ khuya ngày giáp tết, đường phố đã vắng người nhưng trong chợ đầu mối Phú Hậu, cảnh chợ vẫn nhộn nhịp. Từng đoàn xe chở hàng vào chợ, ngay lập tức các đội bốc vác, kéo hàng í ới nhau vào việc. Thanh niên, đàn ông rất nhiều nhưng trong số ấy, có không ít chị em phụ nữ chấp nhận việc nặng nhọc.

Chị Nguyễn Thị Bé, một nữ “cửu vạn” ở đây chia sẻ: “Gần 50 tuổi, tui không nhớ làm nghề ni được bao nhiêu năm, chỉ biết lâu lắm rồi. Ngày thường làm ít hơn. 4-5 ngày giáp tết thì quần quật khuya sớm. Mệt, nhưng nghỉ đến có tiền để có tết là vui”.

Những người tiểu thương ở chợ đầu mối Phú Hậu nhẩm tính, ở chợ, riêng phụ nữ phải có đến 30 người làm nghề bốc vác, kéo hàng. Họ nhanh nhẹn, chịu cực chịu khổ giỏi, sức bền tốt. Không phải ai cũng hộ nghèo nhưng đa phần hoàn cảnh gia đình không phải khá giả.

 Những chuyến xe kéo hàng liên tục từ đêm đến sáng

Ngồi vài tiếng ở chợ, chính tôi cũng cảm thấy "khiếp" với tần suất làm việc của những người làm nghề bốc vác, kéo hàng, đặc biệt là các chị. Xe hàng đến, việc bốc dỡ hàng chở tới cho các tiểu thương rồi lại quay về tiếp tục vòng hàng mới gần như không nghỉ. Mỗi chuyến xe hàng kéo cho từng tiểu thương lên đến cả vài tạ, liên tục từ đêm đến sáng có người bốc vác, chở hàng đến cả chục tấn.

Tranh thủ nghỉ tay chờ xe hàng tiếp, bà Đỗ Thị Liên, người phụ nữ lớn tuổi trong các nữ “cửu vạn” ở đây (60 tuổi) kể: “4 giờ chiều rời nhà sang chợ làm. Bốc hàng, chở hàng liên tục đến khoảng 8 giờ tối có khoảng nghỉ 2 tiếng là về nhà tắm rửa, ăn uống rồi quay lại chợ làm tiếp đến sáng. Ngày tết làm cực, nhưng việc nhiều thì tiền nhiều, đêm cũng được 500.000 - 700.000 đồng. Ngày thường, có muốn cố gắng cũng chỉ 200.000 - 300.000 đồng”.

Hỏi về gia cảnh, về con cái với câu chân tình: “Con dì làm ăn khá không mà dì còn cực rứa?”, bà Liên trả lời bằng nụ cười chua chát: “Khá thì dì đi làm nghề ni mần chi. Cực chết đi được”. Không có chồng bên cạnh, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến bà phải đánh đổi nhiều giọt mồ hôi. Rồi bà Liên nói tiếp: “Nhờ trời, làm miết mà quên ốm đau”.

Công việc kéo xe, bốc vác vốn đòi hỏi sức khỏe tốt, phù hợp sức đàn ông hơn nhưng lại có không ít phụ nữ chân yếu tay mềm lựa chọn gắn bó. Không chỉ ở chợ đầu mối Phú Hậu mà ở chợ Đông Ba cũng có hàng chục nữ “cửu vạn” đang cố gắng “chạy đua” để kiếm thêm tiền sắm tết. Bà Gái, một nữ “cửu vạn” ở chợ Đông Ba vừa đẩy hàng vừa nói: “Áo ướt mồ hôi thì tết mới no em à. Nghề mô cũng cực, mà nghề ni có lẽ cực nhất. Đàn ông họ còn thấy cực huống hồ chi phụ nữ như tụi chị. Nhưng cực để con cái, gia đình có thêm đồng vô đồng ra thì cực mấy cũng chịu”.

 Đêm giáp tết với bà Thoan (sinh năm 1959) là một đêm không ngủ

Theo phụ chuyến xe với bà Mai Thị Thoan (65 tuổi), người đẩy phụ xe như tôi cũng thấm mệt nhưng bà Thoan cười, bảo: “Dì thì quen rồi. Ở đây có nhiều bà, nhiều chị bị xương khớp, đau chân cũng phải gắng. Dì không có chồng con, chỉ hai đứa cháu, đã gắn bó nghề ni hơn 30 năm; chừ nghỉ cũng không biết làm chi kiếm sống; còn gắng được cứ gắng”.

Sau mỗi chuyến hàng, áo ai cũng ướt đẫm. Họ ăn vội ổ bánh mì, cái bánh bới theo sẵn, rồi tìm một góc chợp mắt vài phút chờ chuyến hàng tiếp theo. Tôi xin chụp lại những khoảnh khắc ấy, ai cũng khoác tay, bảo: “Thôi, cho chị xin. Cảnh khổ, mặt xấu, mồ hôi đầm đìa như ri họ thấy họ cười”.

Mong vất vả để sang năm khấm khá

Hai ngày ngồi ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba từ đêm đến khuya, nhưng những câu chuyện của tôi và các chị làm nghề kéo xe, bốc vác hàng cứ liên tục bị đứt quãng, chắp vá vì công việc của các chị liên tục.

Chị Nguyệt, một nữ “cửu vạn” ở chợ đầu mối Phú Hậu chia sẻ, cận tết, người làm nghề này phải lấy ngày làm đêm, ngủ ít làm nhiều. “Cửu vạn” ở chợ không hề phân biệt nam hay nữ, đã khoác trên mình tấm áo cửu vạn thì phải tự chấp nhận công việc, làm nhiều thì hưởng nhiều. Vì thế mà sức kéo của các nữ “cửu vạn” cũng không thua kém nhiều cánh mày râu. Ai cũng đã quen với công việc này nên dù kéo hàng nặng, chân vẫn bước thoăn thoắt. Kéo xe liên tục xuyên đêm, ngày này qua tháng khác khiến đôi bàn tay của họ dần trở nên chai sần. “Người ngoài thấy bọn tui cực, vất vả nhưng tui tụi lại mong vất vả để sang năm mới đỡ khổ, có cái tết đầm ấm, khấm khá hơn. Nếu vất vả mà có tết thì đánh đổi cũng xứng đáng”, chị Nguyệt nói.

 Với những người làm nghề "cửu vạn" thì càng vất vả, lại càng vui vì có thêm tiền sắm tết

Tôi hỏi bà Liên làm đến bao nhiêu tuổi thì nghỉ. Bà phụt cười, trả lời: “Nghề này không có tuổi hưu chú ơi; còn sức còn làm. Tui còn mong tết tới liên tục mà làm cho có tiền đây. Tết việc nhiều hơn ngày thường gấp nhiều lần. Dẫu năm nay kinh tế khó khăn, sức mua giảm, hàng hóa ít hơn mọi năm nhưng dù sao ngày tết vẫn hơn ngày thường. Mệt mà nghĩ như vậy tinh thần lại khỏe lên”.

Sự lạc quan kèm tiếng cười của các bà, các chị ở những khu chợ trong lòng phố Huế dịp giáp tết làm cho đầu óc tôi dâng lên những cảm xúc khó tả. Đêm theo chân những phận đời nữ "cửu vạn" nhọc nhằn mưu sinh ở khu chợ dịp giáp tết mới thấy câu chuyện đời, chuyện nghề về những người phụ nữ làm nghề bốc xếp hàng thuê còn nhiều điều không phải ai cũng hình dung được. Hầu hết trong số họ bước vào nghề như một lựa chọn bắt buộc. Những lo toan hằng ngày, mỗi độ tết đến xuân về cứ dai dẳng, bám riết trên đôi tay chai sần, trên làn da nứt nẻ. Dù những đêm dài bạc mắt, áo đẫm mồ hôi, họ vẫn miệt mài với cuộc mưu sinh. Với họ, kiếm đồng tiền chân chính thì không có gì là không thể và “chạy đua” với tết để sau này cuộc sống sẽ bớt lo toan.

HỮU PHÚC