Cán bộ, nhân viên quan sát, điều chỉnh hệ thống xử lý rác-đốt điện tại nhà máy. 

Nhà máy này được khởi công xây dựng từ cuối năm 2021, tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch khoảng 11,234 ha tại xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB làm chủ đầu tư, xây dựng theo mô hình Nhà máy đốt rác- phát điện.

Theo đó, nhà máy được sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp-phát điện phù hợp với Quy chuẩn QCVN 61MT/2016/BTNMT, tiêu chuẩn khí thải đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu; xử lý nước rỉ rác và tuần hoàn sử dụng trong hoạt động không phát tán mùi hôi, giải quyết việc ô nhiễm mùi ra môi trường.  

Từ tháng 8/2023, nhà máy hoàn thành, đưa vào vận hành thử nghiệm và đến ngày 24/1 vừa qua chính thức nhận được văn bản nghiệm thu…

Hiện tại, nhà máy tiếp nhận rác thải thu gom trên các địa bàn TP. Huế, TX. Hương Thủy, Hương Trà; các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và Khu công nghiệp Phú Bài…Bình quân khoảng 720 tấn/ngày và cung cấp nguồn điện xanh 240.000 Kwh/ngày.

Trong thời gian tết Giáp Thìn, nhà máy vẫn hoạt động bình thường với hơn 100 cán bộ kỹ sư công nhân làm việc 3ca, 4 kíp, xuyên suốt 24/24h để nguồn rác thải sinh hoạt được xử lý liên tục và cung cấp thêm nguồn điện xanh cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, nhà máy xử lý phát điện Phú Sơn là đơn vị xử lý rác sinh hoạt lớn nhất tỉnh tính đến thời điểm hiện nay, với công suất xử lý đạt khoảng 600 tấn rác/ngày đêm. Với công suất này, Thừa Thiên Huế sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn xuống dưới 20%, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 41/CT-TTg…

Một số hình ảnh tại nhà máy trong ngày cận tết Giáp Thìn:

Nhà máy nhìn từ trên cao 
Rác thải trước khi nhập vào được cân, có hệ thống camera giám sát 
Xe đưa rác thải nhập vào khu vực chứa được khép kín, không để mùi hôi bay ra ngoài môi trường 
Bụi tro được thu gom vào bao nylon đưa đi chôn lấp 
 Trung tâm điều khiển tất cả khâu xử lý rác, phát điện qua camera

Tin, ảnh: SONG MINH