Chuyển những chậu quất tết lên tàu 561, chuẩn bị hải trình vượt sóng gió đến quần đảo Trường Sa |
1.Có mặt tại Vùng 4 Hải quân (đóng quân trên địa bàn TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), tôi cùng phóng viên các báo, đài trên mọi miền đất nước vinh dự được cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân mang quà tết; thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và Nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Chặng đường đầu tiên sẽ là từ cảng Cam Ranh đến đảo Trường Sa (250 hải lý, tương đương 500 km); tiếp nối hành trình đến những đảo khác, kéo dài trong 18 ngày liền. Dự báo dọc hải trình sẽ nhiều lúc sóng to gió lớn.
“Bạn sợ say sóng không”? “Rất sợ”! Đó là lo lắng mà nhiều phóng viên chia sẻ cùng nhau. Nhưng quần đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nơi những hòn đảo kiên cường giữa thời tiết khắc nghiệt, giữa những cơn sóng dữ trùm lên, nơi đang có những người chồng, người cha, người con trung kiên vững chắc tay súng nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền tổ quốc, có sức hấp dẫn lớn, khiến nỗi lo sợ trong chúng tôi lùi lại.
Tàu 561 Hải đội 411, Lữ đoàn 955 Vùng 4 Hải quân- con tàu sẽ đưa chúng tôi đến Trường Sa, đang đón quà tết. CBCS nối nhau, nâng niu vác những thùng quà đã được gói bọc trân trọng bằng giấy hoa; thận trọng bê những chậu quất trái lúc lỉu vàng, đặt ở vị trí ít bị tác động của sóng gió, đồng thời dễ dàng đón khí trời, để khi đến với đảo xa, vẫn tràn trề sức sống và sắc xuân.
Lòng trào dâng xúc động, tôi nhớ trong cuộc gặp mặt phóng viên và các lực lượng, Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân đã nhắn nhủ: Sự có mặt của mỗi người từ đất liền, vượt sóng vượt gió ra với đảo xa, cùng với những lời động viên, tình cảm, là món quà quý giá, là hơi thở mùa xuân đối với CBCS và Nhân dân trên đảo. Đó cũng là những điều gan ruột của Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, trưởng đoàn công tác; Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó Trưởng đoàn; CBCS tàu 561 và tất cả những người ở lại. Sau những hồi còi trầm hùng tạm biệt, cũng là lời gửi nhắn với đất liền “hãy yên tâm”, tàu 561 hướng mũi ra khơi. Con tàu dần xa, những hàng quân vẫn đứng nghiêm trên bến cảng, tay vẫy theo, bồi hồi.
Tàu 561 rời cảng, bắt đầu hải trình chở mùa xuân ra đảo xa |
Tầm 1 giờ sau khi xuất phát, bắt đầu đi vào vùng sóng cấp 8-9; gió cấp 9-10. Sóng ầm ào, gió rít từng hồi, xô con tàu lắc lư, chao đảo. Phòng chúng tôi gồm 5 nữ phóng viên, có 2 giường tầng và 1 tấm đệm đặt trên sàn. Liên tục trên hệ thống loa của tàu, nhắc nhở các phòng chuyển vật dụng nặng; mọi người cũng nên xuống sàn nằm là tốt nhất (phòng lúc tàu nghiêng ngã mạnh, có thể bị hất bay từ giường tầng trên xuống, gây nguy hiểm). Dù đã uống thuốc chống say sóng, nhưng ai nấy vẫn bắt đầu say vật vã, “mặc kệ” nhiều thứ đồ đạc trượt sàn sạt từ bên này qua bên kia giữa khoảng trống sàn tàu.
Nôn ói liên tục, lúc không còn gì trong người thì nôn ra mật xanh mật vàng, chị Phan Thị Trang Đoan, phóng viên tạp chí Sông Lam (Nghệ An) kiệt sức, được y, bác sĩ trên tàu là Đại úy, bác sĩ Hồ Sỹ Ngọc và Trung úy, y sĩ Võ Việt Hải, đến tận nơi chăm sóc. “Chúng tôi cũng đang say sóng, nhưng hay tin về tình trạng sức khỏe các chị, nên vẫn cố gắng”. Đại úy Ngọc và Trung úy Hải nở nụ cười, tiếp thêm cho bệnh nhân và mọi người liều thuốc tinh thần. Dù trong lúc chăm sóc người bệnh, có lúc bản thân Trung úy Hải cũng phải nằm xoài trên sàn tàu, bởi cơn say.
Những cơn nôn ói liên miên, trong tình trạng nằm bẹp một chỗ, khiến chị Trần Thị Hoa (nhà báo Phương Hoa), biên tập viên đài phát thanh & truyền hình tỉnh Bắc Ninh, lúc nửa đêm kiệt sức, không thể tự chủ, ướt sũng cả quần áo. Ai cũng đuối, xót xa khi không thể giúp gì cho đồng nghiệp, chỉ động viên nhau cố gắng. Hoàn cảnh sóng gió như vậy, con tàu lắc lư chao đảo không dứt, khi chúng tôi nằm bẹp trên giường, CBCS tàu 561, mỗi người ở vị trí của mình, không chỉ vẫn thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ, để con tàu vững vàng tiến về phía trước.
Sau những ca trực, Đại úy Hồng Long, Chính trị viên, Đại úy Phạm Văn An, Thuyền trưởng, các phó thuyền trưởng và CBCS, thuyền viên tàu 561 đều đến từng phòng hỏi han chúng tôi bằng tất cả ân cần, chu đáo. Khi cả 5 nữ phóng viên trong phòng bỏ bữa tối, chỉ nằm một chỗ chống chọi cơn say sóng, xúc động khó nói nên lời, bởi Đại úy Phạm Văn An tận tay mang đến những khoanh khoai lang luộc nóng hổi, để chúng tôi dễ dàng tiếp năng lượng ngay trên “giường bệnh”.
Nhiều bữa, thấy những mâm cơm dọn ra, “trống vắng” người ăn, tổ phục vụ lại lục đục nấu cháo, bưng đến tận phòng. Hôm nào cũng vậy, tầm 3 giờ sáng, căn bếp của tàu bắt đầu sáng đèn, cùng âm thanh lách cách chế biến thực phẩm. Đến tận khuya, các anh mới nghỉ ngơi. Mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ, nhưng trên môi Thượng úy Phan Đình Quyết, tổ trưởng và tất cả CBCS tổ phục vụ đều luôn nở nụ cười hạnh phúc, khi thấy chúng tôi ăn hết bát cơm hay bát cháo.
Những món quà tết từ đất liền đã vượt sóng đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông A |
2. Đặt tiêu đề bài viết “Thương nhớ hải trình mang xuân đến Trường Sa”, không một chút đắn đo, bởi trong lòng đầy tràn nỗi nhớ và kính phục những người lính hải quân đã dành tình cảm cho chúng tôi như ruột thịt, suốt chặng đường vượt sóng gió. Cao hơn nữa, các anh dành cho đồng đội, Nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng, trách nhiệm và yêu thương không đong đếm.
Đã từng cùng đồng đội nhiều năm xa gia đình, người thân, bám trụ giữ đảo, Đại tá Lê Đình Hải và Thượng tá Dương Chí Nguyện thấu hiểu nỗi chờ mong cùng niềm vui hạnh phúc đặc biệt, khi được gặp mặt, đón nhận tình cảm của đất liền trước thềm năm mới. Do đó các anh luôn lo lắng, bảo vệ sức khỏe cho chúng tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất, cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối, để chúng tôi đến với CBCS và Nhân dân trên đảo, không chỉ trong vai trò tác nghiệp, thực hiện các bài viết về đảo xa, mà quan trọng hơn, với sứ mệnh là những “ngọn gió” ấm áp, góp phần làm nên hương xuân nồng nàn giữa trùng khơi.
Vậy nên, chẳng phải y bác sĩ, nhưng Thượng tá Dương Chí Nguyện để lại tình cảm sâu sắc trong lòng nhà báo Phan Thị Trang Đoan, khi luôn dõi theo, quan tâm đến tình trạng sức khỏe, nhường Đoan lọ thuốc chống say sóng mà anh chuẩn bị cho bản thân mình trước chuyến đi. Hay suốt hải trình đến các đảo, tất cả phóng viên đều thân thương hình ảnh Đại úy Hồng Long luôn có mặt ở “tuyến đầu”, cùng CBCS con tàu làm “hàng rào” che chắn hiểm nguy, trong quá trình đảm bảo an toàn cho mọi người và quà tết di chuyển từ tàu 561, vượt thêm một chặng sóng gió gian nan bằng xuồng nhỏ, để cập được đảo. Lúc đưa phóng viên cùng quà tết của đất liền an toàn vào đảo An Bang- hòn đảo nổi tiếng quanh năm sóng dữ vây phủ bốn bề; “chạm” những mừng vui, hân hoan của đồng chí, đồng đội trên đảo, các anh xúc động nghẹn lời.
Đoàn công tác Hải quân Vùng 4 triển khai công tác đảm bảo cho hải trình an toàn, trọn vẹn, ý nghĩa |
Trên đảo Đá Tây C, Thượng tá Dương Chí Nguyện trải lòng những cảm xúc từ trái tim: “Chúng tôi cảm ơn vì các phóng viên đã theo đến cùng những đảo khó khăn, bốn bề là sóng gió. Sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, đối với CBCS trên đảo, sự có mặt của các bạn không đơn thuần là tác nghiệp, mà đại diện tình cảm của đất liền, điều CBCS luôn khát khao, đặc biệt mang đến không khí, hơi thở của mùa xuân, vô cùng ấm áp”.
Thương thật nhiều khi nhớ ánh mắt bồi hồi của Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa, lúc anh nói: Mỗi dịp tết đến xuân về, điều mà chúng tôi chờ đợi nhất, háo hức nhất, vẫn là những chuyến tàu mang mùa xuân ra đảo. Những chuyến tàu không chỉ mang vật chất, tinh thần của đất liền, mà còn là nhịp cầu nối đảo và đất liền thật gần nhau.
Những cái vẫy tay lưu luyến khi đoàn công tác, phóng viên tạm biệt cán bộ, chiến sĩ trên đảo |
Sau chuyến 18 ngày lênh đênh sóng gió, xen lẫn những cơn say vật vã, đến với quần đảo Trường Sa, có phóng viên đã viết bằng tiếng lòng: Đây là hành trình đầy nụ cười và nước mắt. Nụ cười của niềm vui và nước mắt của hạnh phúc lớn lao, nhận ra Tổ quốc mình đẹp đến thế, hùng vĩ đến thế. Những người lính trung kiên và nghĩa tình đến thế! Những người lính đang ngày đêm cầm chắc tay súng, kiên cường nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để những mùa xuân mãi xanh tươi.