Tác phẩm "Totem" của họa sĩ Đặng Mậu Tựu |
Phòng tranh con giáp ở Art Gallery Sông Như đã được duy trì thực hiện trong suốt 20 năm qua. Đối với họa sĩ Đặng Mậu Tựu, tranh con giáp là một niềm vui, một thú chơi, tựa như người chơi mai, đào, lấy cái cốt cách để gửi gắm khát vọng, mong muốn của mình vào đó, để mong người xem tìm được sự đồng điệu cảm thông, hoặc mỉm cười ý nhị. Nhờ được công chúng khuyến khích động viên, phòng tranh con giáp đã được duy trì tại Huế trong hai thập kỷ qua.
Năm nay, triển lãm tranh con giáp giới thiệu 28 tác phẩm của 8 họa sĩ và 7 em thiếu nhi về chủ đề con rồng, loài linh vật trong truyền thuyết. Họa sĩ Phan Thanh Bình cho biết, đây là một chủ đề thú vị, bởi rồng là một loài vật mà mọi người chỉ được nghe nói, mường tượng thông qua lời kể trong các câu chuyện cổ, hay được khắc trong những công trình kiến trúc mà người xưa để lại. Do vậy, rồng trong tranh của các tác giả đều thể hiện những sắc thái khác nhau. Tại triển lãm năm nay, họa sĩ Phan Thanh Bình góp mặt với bức tranh “Long vân”, thể hiện hình ảnh rồng uốn lượn lấp ló trong tầng mây, ngắm nhìn mặt đất, cầu cho mọi người một năm mới mưa thuận gió hòa.
Bộ 9 tác phẩm “Cửu long” của họa sĩ Đặng Mậu Tựu lại thể hiện nhiều sắc thái của loài rồng qua góc nhìn của ông. Rồng xanh ngự trị dưới đại dương trong “Cửu long 6” mang trong mình dáng dấp người con gái, thể hiện sự nhẹ nhàng, uyển chuyển, như nữ thần mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người. Rồng đen nơi phương Huyền vũ ở “Cửu long 4” của họa sĩ là con rồng trấn giữ phương bắc. “Trong ngũ hành thì phương bắc hành thủy, nó mang màu đen. Những công trình ở hướng này mang màu đen như cầu huyền hạc, huyền yến, cống vào thành gọi là Huyền vũ”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu chia sẻ. Bức tranh “Cửu Long 5” lại thể hiện con rồng ở sông Như Ý với đường nét sắc sảo và uyển chuyển. “Có thế, có lực khi tiến, lúc thoái, màu sắc trong tranh cũng sống động trong tĩnh tại, ngụ ý vừa hội nhập, vừa nhập gia tùy tục”, Ông Nguyễn Văn Dẫn, một người xem tranh nói.
Trong năm mới Giáp Thìn, họa sĩ Đặng Mậu Tựu gửi lời chúc tết đến người xem tranh thông qua bức tranh “Thấy rồng giữa ruộng”, lấy cảm hứng từ “kiến long tại điền, thiên hạ thái bình” là một quẻ trong kinh dịch, ngụ ý năm con rồng, mong cuộc sống của người dân bình an và thịnh vượng. Hình tượng rồng cuộn trong mây, rồng du xuân, rồng vờn ngọc, cho thấy uy quyền, phép thần thông, biến hóa của loài rồng cũng được thể hiện qua các tác phẩm “Rồng thời nay” (tác giả Nguyễn Khải Hoàn), “Rồng cuộn” (tác giả Nguyễn Đức Huy), “Du xuân” (tác giả Nguyễn Quốc Sơn), “Thiên Long bảo ngọc” (tác giả Võ Hoàng Minh).
Tác phẩm "Cửu Long 6" |
Điểm nhấn của triển lãm tranh con giáp năm nay là tác phẩm “Totem” do họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện bằng chất liệu acrylic. Bức tranh gợi lại sự tích về Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng bằng những đường nét và gam màu độc đáo, sáng tạo. Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, đây là hình ảnh mang tính biểu tượng của dân tộc, gợi nhớ về nguồn gốc con rồng, cháu tiên của người Việt Nam, thể hiện lòng tự hào và truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Những cây cọ trẻ góp mặt tại phòng tranh con giáp với những tác phẩm “Đầu con rồng” (tác giả Minh An), “Xuân con rồng” (tác giả Khánh An), “Rồng năm mới” (tác giả Dương Bá Anh), “Rồng của Miu” (tác giả Lê Bảo Trân), “Rồng của Kem” (tác giả Lê Bảo Ngân), “Rồng” (tác giả Nguyễn Đình Gia Phát), “Có hai con rồng” (tác giả Đặng Thiên Nghi). Những bức tranh rồng mang màu sắc tươi sáng, ngây thơ cũng khiến nhiều người xem cảm thấy thích thú. Qua nét vẽ của các em, con rồng trở nên hiền hòa, thân thiện và cũng rất đỗi dễ thương.
Ở buổi khai mạc triển lãm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho biết, các họa sĩ trong phòng tranh con giáp năm nay đã vẽ về Rồng theo cách nghĩ của mình, không phải lệ thuộc ai. Xin nghĩ về Rồng của các tác giả ở đây với một các nhìn khác hơn thường ngày, nếu bạn có thể nhìn ra ẩn ý đằng sau những bức tranh, ắt bạn sẽ thấy vui vì trong đó có những cái dí dỏm, tế nhị muốn cuộc đời đẹp hơn”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu bộc bạch.