Người dân đến xin chữ cầu may tại chợ xuân Gia Lạc |
Sáng sớm tinh mơ ngày mồng 1 tết (10/2), người từ các nơi nườm nượp đổ về chợ xuân Gia Lạc để tham gia phiên chợ tết. Chợ có đủ các sản phẩm truyền thống quê hương, từ trầu cau, hoa quả, trầm hương, bánh trái, các món đặc sản, đồ chơi trẻ con đến những gói muối bọc giấy điều để lấy may đầu năm mới. Chợ còn tổ chức các trò chơi dân gian như: Hò giã gạo, quay vụ, bài chòi, bài ghế, bài vụ, bài tới, bầu cua tôm cá và các trò chơi thú vị khác.
Bà Nguyễn Thị Nga Hạnh, trú tại tổ dân phố Lại Thế 1, phường Phú Thượng chia sẻ: “Đến với chợ Gia Lạc là để gợi nhớ đến những sản phẩm truyền thống xưa cũ trong những ngày đầu năm mới. Cũng là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu trong gia đình hiểu hơn về nét đẹp truyền thống của cha ông”.
Người đến chợ mua một vài món kỷ niệm, tham gia vài trò chơi dân gian, giải trí, thưởng thức đôi câu hò, hát đối đáp trữ tình, một đôi câu thai dí dỏm trong không khí xuân ấm áp, vui tươi. Khách vui xuân đến đây còn có thể thử thời vận đầu năm bằng một ván bài chòi để được nghe giọng hô thai trầm bổng xen đôi chút tiếu lâm, pha trò duyên dáng hay thưởng thức những món đặc sản trong không khí đầu xuân.
Bí thư Đảng ủy phường Phú Thượng - bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, chợ Gia Lạc do Định Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính (con thứ sáu của vua Gia Long) lập ra từ đời Minh Mạng, cách đây trên 200 năm.
Lúc đầu, chợ được lập ra để có chỗ tập trung vui chơi, giải trí ngày xuân của giới hoàng tộc, quan chức và lính tráng vì lý do nào đó không về ăn tết ở quê hương. Dần dần, chợ trở thành một điểm vui chơi hấp dẫn; nơi trao đổi, mua bán các sản vật, hàng hóa và các món ăn đặc sản ngày xuân của xứ Huế. Chợ xuân Gia Lạc tồn tại khá lâu qua nhiều giai đoạn lịch sử và có những bước thăng trầm cũng như thay đổi về hình thức mua bán, trao đổi, vui chơi giải trí.
Người bán lẫn người mua tại chợ xuân Gia Lạc đều mang trong mình tâm lý đến đây để lấy hên, lấy lộc đầu năm.Thế nên, họ không quan trọng việc buôn bán mà xem đây là một dịp du xuân để cầu may. Người mua, người bán đều ứng xử đều văn minh, lịch sự, vui vẻ, không có cảnh ồn ào, chen lấn. Đây là nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ, nhất là vào dịp tết đến, xuân về.