Nếp đi lễ nhà thờ vào những ngày đầu năm đang được gìn giữ và phát huy |
Hơn 5 năm xa quê, anh Lê Sử (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) mới có dịp trở lại cố hương đón tết. Đúng ngày đầu năm mới, vợ chồng anh dậy từ sớm, cùng gia đình bày biện mâm cúng nhà thờ họ. Mâm cỗ không quá cầu kỳ, nhưng đủ đầy bánh trái, hoa quả.
Những ngày tết, dù rất bận rộn nhưng anh Sử bảo, tục tệ sắp lễ, thắp nén hương thơm dâng lên tổ tiên của dòng họ phải được ưu tiên hàng đầu. Việc này với anh như để dặn lòng không bao giờ được phép quên tổ tiên, nguồn cội.
“Ngày trước, khi những con đường chưa được bê tông hóa, xe cộ chưa phổ biến, việc di chuyển có đôi phần vất vả. Những gia đình sinh sống xa nhà thờ, mâm cỗ được sắp vào thúng, gánh trên vai, vượt cát để dâng lên tổ tiên. Nay, đường đã thông, việc di chuyển thuận lợi hơn rất nhiều”, anh Sử chia sẻ.
Những ngày này, cờ Tổ quốc, cờ hội tung bay trên mọi ngả đường và ở các nhà thờ họ. Cờ bay phấp phới trong nhịp trống chiêng và các nghi thức tế tổ. Con cháu xa gần xếp hàng dâng lễ vật cúng tế, các cụ cao niên trong trang phục áo dài khăn đóng, thực hiện các nghi lễ.
Cúng nhà thờ họ là tục lệ có từ xa xưa, ở hầu khắp các làng quê, nét đẹp văn hóa truyền thống này vẫn còn được giữ gìn và phát huy. Nếp đi lễ nhà thờ vào những ngày đầu năm như một trong những nghi thức trang trọng nhất trong các hoạt động dịp Tết Nguyên đán.
“Ngoài ngày giỗ họ và những việc trọng đại khác, tục cúng họ và lễ nhà thờ vào những ngày đầu tiên của năm mới âm lịch được nhiều thế hệ lưu truyền cho đến nay”, ông Lê Văn Lượng, trưởng phái 1 - họ Lê tại làng Thế Mỹ A (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) nói.
Với ông Lượng, hàng năm, cứ sau thời khắc giao thừa, ông lại hướng về nhà thờ họ, mở rộng cổng để con cháu đi lễ. “Con cháu trong phái chúng tôi, kể cả người sinh sống ở quê hương hay đi xa trở về đều giữ thói quen này. Nhà thờ là nơi để con cháu thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên, cũng là nơi con cháu trong dòng tộc gặp nhau trong ngày đầu năm mới, cùng dành những lời chúc tốt đẹp cho nhau. Ngoài ra, đây cũng là dịp để con cháu ôn lại lịch sử dòng họ, tự hào về những tấm gương tiêu biểu của dòng tộc, từ đó nỗ lực học tập, rèn luyện vươn lên trong cuộc sống”, ông Lượng bày tỏ.
Không chỉ ở các làng quê mà bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S, nhà thờ họ được xem là nơi hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, những người có công với đất nước, làng xã, làm lưu danh dòng họ trong sử sách. Bởi thế mà trong tâm thức của người dân, nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt, là nơi gửi gắm những ước vọng của cháu con về một cuộc sống êm ấm, bình an.
Ngày mùng 1 tết, anh Hồ Hoàng (thôn 11, Điền Hòa, Phong Điền) không quên dành thời gian thắp một nén hương thơm lên ban thờ tổ tiên rồi trò chuyện cùng anh em dòng tộc.
Cúng nhà thờ họ ngày đầu năm là nét đẹp tại các làng quê |
“Đi lễ nhà thờ họ là hoạt động không thể thiếu trong ngày đầu năm mới của gia đình tôi. Đây là dịp không chỉ tưởng nhớ tổ tiên mà còn được gặp bà con, anh em trong dòng tộc. Vì hoàn cảnh công việc, mỗi người ở một phương, cho nên đi lễ nhà thờ họ cũng là thời điểm con cháu, anh em quây quần. Có nhiều người cùng chung huyết thống nhưng vì nhiều lý do không biết mặt nhau và đây là dịp hàn huyên, tâm tình, mối quan hệ máu mủ thêm phần gắn kết”, anh Hoàng chia sẻ.
Tại nhiều làng quê, ngoài các lễ hội khác, tục lễ nhà thờ họ kéo dài trong dịp tết làm cho không khí tết cổ truyền của dân tộc càng trở nên linh thiêng.
Thời gian trở lại đây, nét văn hóa sinh hoạt dòng họ đã được khôi phục và phát huy, đặc biệt là ở các ngôi làng “nức tiếng” như, Phù Bài (Hương Thủy), Hiền Lương, Thế Chí Tây, Thế Mỹ (Phong Điền)… Nhiều nhà thờ họ khang trang, bề thế, được xây mới hoặc trùng tu tạo nên sự khởi sắc cho diện mạo vùng nông thôn. Thậm chí, một số nhà thờ họ còn là di tích lịch sử, nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý; vai trò của họ tộc ngày càng tạo được dấu ấn khi chung tay với chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhiều mô hình hay đã xuất hiện trong đời sống hiện nay như, dòng họ khuyến học, dòng họ không có hộ nghèo… đã phát huy nhiều giá trị về tinh thần và vật chất không chỉ cho các thành viên của dòng họ, mà còn tạo hiệu ứng cho toàn xã hội.
Những điều ấy khiến cho nén hương từ tâm hay mâm cỗ giản đơn ngày đầu năm càng thêm phần ý nghĩa, mang thông điệp văn hóa của những người con luôn hướng về cội nguồn.