Nhiều người Việt xa xứ trở về đón tết để tận hưởng hương vị quê nhà 

Tận hưởng hương vị quê nhà

Đây là lần thứ 2 ông Trần Văn Quang, một Việt kiều Mỹ quê ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền đưa gia đình về quê đón tết. Ông Quang bảo, dù sinh sống ở xứ người, nhưng vẫn luôn dõi theo sự đổi thay của quê hương. So với lần trở về quê gần 10 năm trước, lần trở lại này ông cảm thấy bất ngờ với sự “thay da, đổi thịt” trên mảnh đất ông sinh ra. “Tôi không ngờ đường sá ở Phong Hải lại sạch đẹp đến thế. Một số tuyến được thảm nhựa, lát vìa hè. Hai bên đường là những căn nhà kiên cố, khang trang”, ông Quang nói.

Ngược dòng ký ức, độ hơn mấy thập kỷ trước, thời điểm mà ông Quang vẫn còn sinh sống ở quê hương, hình ảnh khốn khó hiện về trong người con xa xứ đã ngoài 50 tuổi này. Đó là những căn nhà lụp xụp, những con đường đất đỏ nhầy nhụa mỗi mùa mưa đến. Đặc biệt, đời sống của nhiều người dân còn chạy ăn từng bữa. “Bây giờ, người dân không chỉ ăn ngon mà còn mặc đẹp, dân trí cũng được nâng cao. Nghe nói xã cũng sắp lên phường”, ông Quang cười. Về quê đón tết, nhiều Việt kiều không chỉ muốn tận hưởng hương vị quê nhà mà còn mong muốn góp phần công sức để đỡ đần bà con còn khó khăn, góp phần xây dựng quê hương.

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, như bao người khác, anh Hồ Hữu Trọng (Việt kiều Mỹ) cũng rơi vào cảnh khó khăn khi kinh tế bị đình trệ. Bản thân anh mất việc làm. Bây giờ, sau mấy năm kinh tế hồi phục, anh Trọng đã có công việc mới, thu nhập cao hơn. Trở về quê đón tết, anh không quên chia sẻ tấm lòng đến người dân quê hương vẫn đang còn nghèo khổ. Anh Trọng bảo, dù không thể giúp hết người nghèo, đỡ đần bà con suốt đời, nhưng những phần quà vào dịp tết sẽ giúp họ ấm áp hơn, có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. “Tôi cũng từng khó khăn nên hiểu rất rõ. Không ai muốn nghèo, muốn khổ nhưng vì hoàn cảnh khiến nhiều người không may mắn. Lần trở lại này, tôi muốn chia sẻ với bà con một chút tấm lòng, để họ có động lực, vững tin hơn vào cuộc sống”, anh Trọng nói.

Còn với chị Phan Thị Hằng (Việt kiều Phần Lan quê ở xã Điền Hòa, Phong Điền), có dịp trở về quê chính là điều may mắn đối với chị. Vì mưu sinh, chị phải xa gia đình. “Lâu lắm rồi tôi mới được thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên dịp giao thừa; có dịp đi tảo mộ với gia đình; ngồi canh lửa nồi bánh chưng, hàn huyên với cha mẹ dịp tết”, chị Hằng tâm sự.

Tết đến xuân về, trong tâm khảm của người con đất Việt xa quê ai cũng muốn trở lại cố hương để vui xuân đón tết. Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện, may mắn để trở về đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày tết cổ truyền. “Do bận rộn với công việc nên tôi không thể về quê đón tết cùng gia đình như mọi năm. Năm nay, những đòn bánh tét được cha mẹ gửi sang khiến gia đình tôi ấm áp vô cùng”, chị Lê Thị Na (người dân xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc đang sinh sống ở Lào) chia sẻ.

Ở đất Mỹ, nhiều Việt kiều háo hức với tết cổ truyền của dân tộc. Ảnh: NVCC

Ấm áp nơi phương xa

Với những người không thể trở về quê hương đón tết, ở một nơi nào đó, họ vẫn đi chùa lễ phật, gói bánh chưng, bánh tét ngày xuân, diện những bộ áo dài truyền thống du xuân. Mỗi người đón một cái tết theo cách riêng của mình. Anh Lê Văn Quốc là người gốc Huế, định cư ở Hà Lan gần 10 năm nay bảo, dù cộng đồng người Việt nơi anh đang sinh sống khá ít nhưng hoạt động đón tết vẫn nồng ấm và trọn vẹn.

Mùng 1 tết âm lịch, gia đình anh Quốc diện những bộ áo dài truyền thống, đến chùa cầu an, du xuân, thưởng thức những món ăn truyền thống của Việt Nam. “Hòa chung không khi đón năm mới, gia đình tôi cũng thức dậy từ sớm để đón giao thừa, mời những người bạn châu Âu cùng trải nghiệm tết Việt để hiểu hơn về văn hóa của Việt Nam”, anh Quốc chia sẻ.

Ở Mỹ, cộng đồng người Việt chủ yếu sống ở California, Texas và bang Washington. Nhiều năm nay, hoạt động tết cổ truyền của Việt Nam đã trở nên quen thuộc. Anh Nguyễn Văn Chương, một việt kiều Mỹ đang sinh sống ở California chắc hẳn không thể quên được không khí náo nức một khi tết đến xuân về. Cách đây mấy năm, anh vẫn còn được tận hưởng hương vị tết ngay tại quê hương. Tập tục, truyền thống đón tết của người Việt đã ăn sâu vào tiềm thức của anh.

Đến Mỹ, đoàn tụ, sinh sống cùng gia đình, anh Chương không quên đón tết Việt. Anh quyết định nghỉ 3 ngày tết để đưa gia đình đi chợ xuân, vui chơi, đón tết. “Ở Mỹ, cộng đồng người Việt đón tết rất sôi động, không khác gì ở Việt Nam. Ngoài du xuân, xem những màn múa lân, hay bắn pháo hoa sôi động thì nhiều gia đình tổ chức gói bánh chưng, bánh tét; trang trí nhà cửa với cành mai, cành đào như ở Việt Nam”, anh Chương chia sẻ.

Theo anh Chương, tết nguyên đán là một trong những lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của người Việt Nam tại Mỹ. Đây là dịp để người Việt Nam sum vầy, đoàn tụ và cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. “Tại California, cộng đồng người Việt có số lượng rất lớn, nên tết nguyên đán trở thành một lễ hội phổ biến ở Mỹ. Nhiều tục lệ như, lì xì, đón giao thừa, đi lễ chùa đầu năm được người Việt lưu giữ khi đến Mỹ”, anh Chương nói.

Nơi phương xa, dù đón tết không thể trọn vẹn như ở quê hương, nhưng những lời chúc của mọi người trong năm mới ở nơi “trời xa” giúp cộng đồng người Việt càng thêm ấm áp. “Không chỉ tôi mà nhiều người Việt ở Mỹ vẫn đang cảm thấy như đang được trở về đón tết tại quê hương. Chúng tôi đến thăm nhau dịp tết, cùng nhau chuyện trò, ôn lại những mùa tết xưa, từ đó, truyền lửa đến các thế hệ sau này, giúp thế hệ trẻ ở Mỹ sẽ không bao giờ quên tết Việt”, anh Chương bày tỏ.

LÊ THỌ