Bìa cuốn thơ - tranh “Đóa hồng nhung” của tác giả Phan Bá Ngọc

Phan Bá Ngọc sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo ven biển (làng An Dương, Phú Thuận, Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Năng khiếu thích làm thơ và vẽ tranh của anh bộc lộ khá sớm từ khi đang còn học phổ thông, nhưng mãi đến tận bây giờ (khi sắp thành “Người cao tuổi”) anh mới có tập thơ, tranh vẽ đầu tay (chủ yếu được sáng tác từ năm 2019 đến nay). Dẫu có muộn màng, nhưng là điều cần thiết, cũng là cách để anh bày tỏ nỗi lòng chất chứa dồn nén (nhớ thương, day dứt, đắng cay, dịu ngọt…) của một mối tình đầy mộng ước không thành, đã đeo đẳng gần suốt cuộc đời anh. Phan Bá Ngọc có lý khi chọn tên của một bài thơ trong tập “Đóa hồng nhung” làm tên sách, vừa ý tứ, vừa phù hợp với nội dung. Hoa tượng trưng cho cái đẹp, sinh ra để tô điểm cuộc đời, có giá trị, và thân phận riêng. Có thể ví 72 bài thơ và 72 bức tranh vẽ là ngần ấy của đóa hoa, làm nên thần thái và hồn vía của tác phẩm, nổi bật và đọng lại là hai đóa hoa, một thực (hồng nhung cho em), và một ảo (hoa thiền dâng Phật). Ở đây, xin được nói về Đóa hồng nhung cho em.

Câu chuyện tình của chàng trai và cô gái được nhen lên từ một làng quê hồn hậu (trước phá sau biển, vương vấn rong rêu, mênh mang nắng gió, mặn mòi vị biển), đang lúc men say, tay trong tay nói lời yêu thương cùng mùa xuân hẹn ước, thì “Nào ai biết chữ ngờ/ Đong đưa chờ trước ngõ/ Duyên mình không hội ngộ/ Tình buồn sớm bơ vơ” (Mùa xuân ngày ấy). Quá bất ngờ và đường đột, khiến chàng trai không biết làm gì hơn là mượn rượu để giải sầu, đến nỗi: “Rượu theo từng mạch ấm môi mềm/ Ru hời qua nhịp ánh trăng đêm/ Phải chăng cơn vắng trời se lạnh/ Mong được ân cần gọi tiếng em” (Say). Tình tan vỡ tuy say “mềm”, nhưng không bi lụy, hình bóng em tươi tắn vẫn in đậm trong tâm trí anh, và không chỉ của riêng anh, mà cả với người không quen biết cũng chẳng thể thờ ơ “Em đẹp lắm như đóa hoa hồng nhung thắm/ Giữa đêm đen vẫn rạng rỡ đời người/ Hương quyện gió tràn lên góc phố vắng/ Lữ khách dừng ngơ ngẩn bước khôn nguôi” (Đóa hồng nhung).

Nhớ thương, thao thức, anh tìm về ký ức một thời xưa cũ, để cảm nhận và lắng nghe tiếng lòng vọng lại “Thương nắng buồn soi mình xem ký ức/ Tiếng đàn chiều còn thao thức buông lơi/ Nói chi em, em cũng mãi ngàn khơi/ Nên lối cũ rơi đầy thương thương nhớ” (Lối xưa). Rồi thầm cầu mong “Một lần một lần thôi/ Cánh chim xưa mỏi rồi/ Đưa hương làn tóc rối/ Biển mặn thấm màu môi”( Lối xưa);  Và “Vờn tay ngắt chút gió/ gối lên khối tim hồng/ Chờ sương đêm giăng mộng/ Nắng về tình nở bông” (Cầu duyên)… Tôi băn khoăn đi tìm lý do tan vỡ của mối tình hồng thắm ấy, thì đây “Thôi đã hết có phải từ nay đã hết/ Em cao sang chọn những dấu lụa là/ Rồi bỏ tôi chỉ vì tiền tất cả/ Vì hèn sang đổ lỗi tôi sạm da” (Quà cho em); Hành nhau đến nước ấy, mà anh vẫn vị tha, bao dung “Em ơi/ Nếu ngày ấy/ Đôi bàn chân em có mỏi/ Bởi cô đơn, bởi duyên nợ, thói đời/ Xin về đây an phận chút thôi/ Lều không khép, bếp hồng còn đợi” (Nếu ngày ấy anh về).

Thơ chưa hẳn làm đẹp cho tranh vẽ, và tranh vẽ đâu phải đứng kề bên để minh họa thơ, mà chúng được sinh ra cùng một mẹ, cùng một lúc, là một Đóa hồng nhung cho em, phải vậy không, tác giả Phan Bá Ngọc (làm nghề xây dựng và trang trí nội thất, đang định cư bên kia nửa bán cầu)? Nếu phải, từ đây chắc anh nhẹ lòng vì đã nói ra được những điều muốn nói bấy lâu.

Lê Viết Xuân