Đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thông qua kiến trúc nhà mồ và các lễ hội để tưởng nhớ tổ tiên |
Độc đáo nhà piing
Trước đây, những ngôi nhà piing thường được làm bằng tre, nứa và gỗ lấy từ trên rừng về. Cấu trúc nhà piing được dựng theo phiên bản một ngôi nhà bình thường thu nhỏ, bao gồm bốn cột nhà cao từ 80cm - 100cm đỡ lấy mái che. Trong đó hai cột trước được dựng cao hơn hai cây cột sau khoảng 10cm có tác dụng đón ánh sáng vào bên trong ngôi nhà, đồng thời giúp ráo nước về phía sau mỗi khi trời đổ mưa to.
Nhà Piing có 3 sắc màu chủ đạo là đen, đỏ, trắng. Màu đen tượng trưng cho thế giới bên kia đầy xa cách, tôn nghiêm và khó chạm tới. Màu trắng thể hiện sự trong trắng, trinh nguyên của những người con, người cháu hôm nay luôn một lòng hướng về nguồn cội. Còn màu đỏ chính là màu của mặt trời, của rực rỡ sự sống. Một ngôi nhà piing đạt chuẩn phải là ngôi nhà có sự phối kết hòa hợp giữa ba màu này.
Những ngôi nhà piing nguyên bản thường có 4 nhóm hoa văn chính: Tol câr tonh, arưc, coong cu tiêng và a cỗ, a chắt. Trong đó Tol câr tonh được vẽ như hình hai ngọn rau rớn tựa vào nhau, hướng phần đọt ra bên ngoài. Hình ảnh này biểu trưng cho các loại rau rừng, những loại thực phẩm có thể kiếm được từ rừng giúp nuôi sống tổ tiên người Pa Cô. Arưc như hình chiếc lá đại diện cho mối gắn kết không tách rời giữa con người với cây cối, thiên nhiên khi chọn sinh sống ở nơi núi cao, suối sâu. Coong cu tiêng - một nét xiên chéo là hình ảnh phản chiếu các loại rễ cây mà đồng bào thường dùng để chữa bệnh. Cuối cùng, A cỗ, a chắt được phác họa như hình lưỡi liềm, đây có thể coi là những công cụ sản xuất giúp ích rất nhiều cho bà con trong những ngày đầu bạt núi, lập làng.
Ngoài những hoa văn, trên mái mỗi ngôi nhà piing còn được gắn thêm một vật dụng có hình thù rất kỳ bí gọi là A poal. Thoạt nhìn, A poal có kết cấu là một tấm gỗ vuông, mỗi cạnh dài khoảng 30cm. Bên trong, người thợ tạo hình như bốn cánh hoa tỏa ra bốn hướng xung quanh một lỗ tròn. Tất cả đều được đục rỗng. Hình thức như những cánh hoa, nhưng trong quan niệm của đồng bào thì đó là bốn con mắt của bốn nhóm Yàng luôn hiện hữu, song hành cùng cuộc sống con người.
Những người vẽ nhà piing cuối cùng
Để tìm hiểu thêm những nét văn hóa nhà Piing, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Hạnh ở thôn A Niêng Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, huyện A Lưới. Năm nay bước qua tuổi 80, ông Hạnh còn mạnh khỏe, thông thạo văn hóa của bản làng. Ông kể: “Nhà piing là một trong những loại công trình văn hóa đẹp nhất của người Pa Cô. Những hoa văn nhà mồ có vai trò tương tự như chữ viết. Nó chính là hệ thống ký tự nhắc nhở thế hệ con cháu sau này luôn ghi nhớ về nguồn cội dân tộc, trong đó văn bản lưu lại nội dung ý nghĩa đó chính là những ngôi nhà piing. Thế nhưng bây giờ, rất nhiều gia đình ở bản khi có người mất thì sẽ thờ cúng theo kiểu hiện đại, xây lăng đắp mộ theo kết cấu, xu hướng của người đồng bằng. Điều này làm mai một bản sắc. Bản thân già, sau này chết, già chỉ muốn được ở trong một ngôi nhà mồ đúng chuẩn của đồng bào mình”.
Ở xã Trung Sơn, già Hồ Văn Hạnh được xem là người thầy truyền dạy kỹ năng vẽ nhà Piing cuối cùng. Thời gian học nghề của mỗi người thường kéo dài trong khoảng nửa năm, sau khi vững vàng thì có thể tách ra để tự đảm nhận vẽ một công trình nhà Piing độc lập. Trong những người tìm đến gặp già Hạnh để học hỏi về nghệ thuật nhà mồ thì anh Hồ Văn Đài ở thôn A Niêng Lê Triêng 1, anh Hồ Văn Lôi, thôn A Đeeng Par Lieng 1 hay anh Hồ A Tút ở thôn A Đeeng Par Lieng 2 là những người sáng ý và tâm huyết nhất.
Anh Hồ Văn Đài, thôn A Niêng Lê Triêng 1 cho biết: “Để vẽ nhà mồ, người vẽ không cần sự sáng tạo vì tất cả các mẫu hoa văn đều ưu tiên học theo nguyên bản. Tuy nhiên, một người thợ giỏi thể hiện ở kỹ năng phối màu, kéo nét. Nếu như lăng mộ của người Kinh phong phú, cầu kỳ, tô màu như bức tranh rực rỡ thì ngược lại, ngôi nhà mồ của người Pa Cô được trang trí khá đơn giản, ít màu sắc. Tuy nhiên, càng ít lại càng cần sự tỉ mỉ. Bằng quan sát và kỹ thuật của mình, người thợ phải làm tôn lên được chất bí ẩn, uy nghiêm của khu nhà mồ”.
Hiện tại, Thôn A Niêng Lê Triêng 1 có ba cụm nhà Piing chính đều được bố trí dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Để đảm bảo độ bền chắc theo thời gian, tất cả các nhà đều được xây bằng bê tông, các hoa văn được tô bằng sơn. Sở dĩ, bà con đồng bào chọn vị trí dọc hai bên trục đường lớn để dựng các cụm nhà Piing là vì những già làng, trưởng tộc rất tự hào về kiến trúc, giá trị văn hóa độc đáo của ngôi nhà Piing.
Kỹ thuật vẽ nhà mồ của người Pa Cô ra đời từ rất sớm, thế nhưng hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn rất ít già làng am hiểu và những người đàn ông trung niên chủ động học hỏi kỹ thuật vẽ nhà mồ, điều này khiến cho văn hóa, bản sắc ở địa phương bị mai một. Chị Hồ Thị Tư, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cho biết, thời gian qua, từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, huyện A Lưới đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020, 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã phục dựng được 3 khu nhà Piing truyền thống của dân tộc Pa Cô tại các làng Ân Trieng, xã Hồng Trung; A Năm xã Hồng Vân, A Tia 2, xã Hồng Kim và 1 khu nhà Piing truyền thống dân tộc của dân tộc Cơ Tu tại làng Kâr So, xã Lâm Đớt.
Để đến được ngày mai, ai cũng cần một chỉ dấu để hướng về nguồn cội dân tộc.