Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của trên 1.700 liệt sỹ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Ngày 17/2 - như là lời hẹn ước với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về đây thắp nén hương thơm với lòng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên được khởi công xây dựng từ năm 1990, là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sỹ và một mộ tập thể các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Nơi đây có một bia đá khắc 9 chữ vàng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đây cũng là dòng chữ được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh (người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và là lời thề của thế hệ những người lính đã chiến đấu can trường trên mảnh đất này.
Sau gần 35 năm xây dựng và trải qua một số lần trùng tu, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện mang diện mạo mới. Nơi đây là địa chỉ đỏ, sự tri ân, ghi nhớ công ơn đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã anh dũng hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn". Đặc biệt, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên thực sự trở thành "ngôi nhà chung" của các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và các liệt sỹ thuộc 32 tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế trở ra.
Theo Đại tá Lại Tiến Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang: 45 năm về trước, mảnh đất Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Với ý chí "một tấc không đi, một ly không rời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao, với tinh thần quả cảm "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử" quân và dân ta đã chặn đứng quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn biên cương của Tổ quốc. Trên 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trên 9.000 người bị thương.
Chiến tranh đã đi qua, nhân dân đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát, day dứt khôn nguôi khi tại mặt trận Vị Xuyên hiện còn trên 1.000 hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy, chưa thể cất bốc và quy tập trở về với quê hương, gia đình và đồng đội.
Trong hành trình du Xuân của gia đình tới mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, anh Nguyễn Thanh Hùng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã cùng gia đình tới dâng hương tại Nghĩa trang Vị Xuyên như một sự tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống và cũng để các con, cháu trong gia đình hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn xác định phải chăm lo tốt hơn nữa những người có công với cách mạng, cũng như chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ - nơi những người con thân yêu của Tổ quốc đang yên nghỉ tại mảnh đất này.
Người lính trong thời bình kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Theo ông Trần Thanh Tuấn, Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tháng Hai và tháng Bảy là thời điểm dòng người về Nghĩa trang Vị Xuyên thăm viếng đông nhất, chủ yếu là thân nhân các liệt sĩ. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến thăm viếng. Ban quản lý nghĩa trang đã tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sỹ trong và ngoài tỉnh, nhân dân đến thăm viếng chu đáo.
Có thể nói, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, người có công với đất nước mãi mãi được khắc ghi. Nơi đây "cháy mãi, sáng mãi ngọn lửa thiêng" tôn vinh dòng máu kiên trung, bất khuất thiết tha hiến dâng thân mình cho non sông đất nước của những người con trung hiếu.
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên không chỉ là công trình nghĩa tình mà còn là địa chỉ đỏ mang giá trị giáo dục truyền thống cách mạng, ý nghĩa nhất cho các thế hệ hôm nay và mai sau.