Bón phân cho lúa đông xuân 

Khắp các xứ đồng lúa, rau màu trên địa bàn tỉnh thời điểm này đều phủ một màu xanh non mơn mởn như ý nguyện đầu năm của người nông dân. Các loại cây trồng dài ngày, cây ăn quả, sắn cũng đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Điều lo ngại hiện nay đối với nông dân là các loại sâu bệnh bắt đầu gây hại, hoành hành trên các loại cây trồng. Trên cây lúa, chuột và ốc bươu vàng gây hại cục bộ hàng trăm ha với tỷ lệ tương đối cao. Hàng trăm ha lúa bị một số loại sâu bệnh như dòi đục nõn… gây hại. 

Nông dân Trần Văn Thiện ở xã Quảng An (Quảng Điền) chia sẻ, sâu bệnh, chuột, ốc bươu gây hại trên lúa bắt đầu xảy ra từ giai đoạn này gần như là quy luật và hầu như vụ nào cũng vậy. Việc ứng phó với sâu bệnh, dịch hại là điều tất yếu đối với nông dân.

Điều quan trọng là việc sử dụng các loại thuốc, liều lượng, thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo phòng trừ sâu bệnh, dịch hại hiệu quả và hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, nông dân diệt cỏ trên ruộng lúa chủ yếu bằng biện pháp nhổ thủ công.

Tại vựa rau sạch Quảng Thành (Quảng Điền), bà con nông dân đồng loạt xuống đồng chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Với trồng rau sạch, bà con Quảng Thành cũng như nhiều vựa rau khác trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ tốt các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ nguồn nước tưới đến bón phân, sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh đều được người dân áp dụng các biện pháp an toàn, hữu cơ, vi sinh.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đính dự báo, thời gian đến, một số loại sâu bệnh tiếp tục gây hại trên cây lúa. Bệnh đạo ôn lá có khả năng phát sinh gây hại trên các giống thường bị nhiễm. Các đối tượng sinh vật gây hại khác như chuột, ốc bưu vàng, dòi đục nõn... tiếp tục gây hại rải rác với mật độ và tỷ lệ thấp.

Ông Hồ Đính cho rằng, để phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng, nông dân cần kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống với các biện pháp khoa học, kỹ thuật theo quy định, hướng dẫn của cán bộ quản lý, bảo vệ thực vật trong xử lý sâu bệnh, dịch hại.

Trên cây lúa, nông dân, cán bộ bảo vệ thực vật về tận cơ sở hướng dẫn nông dân tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng nhằm hạn chế thiệt hại; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ ngoài trời dưới 180C. Trong quá trình sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh phải cần theo dõi mật độ, loại bệnh để sử dụng thuốc đúng liều lượng, thời điểm, đúng loại thuốc.

Vụ đông xuân này, trên địa bàn tỉnh gieo cấy hơn 28 ngàn ha lúa (có khoảng 22 ngàn ha giống lúa chất lượng cao); trong đó diện tích cánh đồng lớn khoảng 8.600ha, 1.200ha theo hướng hữu cơ và khoảng 300ha được chứng nhận hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh trồng khoảng 1.300ha/2.060ha rau màu theo kế hoạch. Các loại cây ăn quả, cao su, sắn vẫn ổn định diện tích như năm trước.
Bài, ảnh: Hoàng Thế