Tết xong đang còn Mồng, gia đình tôi rủ nhau đi “kéo ghế” đầu xuân. Nói cho oai và khí thế vậy thôi, chứ thật ra là do lười nấu nướng, nên chạy ra quán mần đại mấy dĩa rồi về cho nó thong dong, vất vả cả năm rồi.

Tuy nhiên, dẫu có “mần đại” thì cũng phải chọn lựa chút, chứ tốn tiền mà đụng chi cũng ăn thì hơi phi lí. Cả nhà hội ý, và nhanh chóng chọn bún bánh miệt Kim Long thẳng tiến.

 Ẩm thực Huế- Thành tố quan trọng góp tạo nên thế mạnh cho du lịch cố đô. (Ảnh minh họa) 

Quán ăn chúng tôi chọn thuộc loại khá tiếng tăm, đến nơi thấy quán đông nghìn nghịt. Té ra rất nhiều người, nhiều nhà cũng…lười như mình. Vào quán, hầu hết các bàn đều đã có khách ngồi. Những bàn trống thì nghêng ngang bát đĩa bẩn, giấy lau, đũa muỗng…chưa ai dọn dẹp. Không có chọn lựa, chúng tôi ngồi vào một bàn như vậy với ý nghĩ mấy thứ chén đũa, giấy bẩn kia sẽ được nhân viên của quán ăn giải phóng trong nháy mắt. Nhưng đợi, đợi mãi, vẫn không thấy ai đến dọn bàn, đến hỏi quý khách dùng gì. Tôi hơi bực, định bảo mọi người dời đi quán khác. Nhưng bà vợ tôi vốn dễ tính, nói đợi thêm chút nữa, thông cảm cho người ta vì quán quá đông khách. Vừa nói, bà vợ tôi vừa chủ động dọn mớ bát đĩa, giấy lau, đũa muỗng bẩn gọn sang một góc xa cho nó lịch sự, cũng ý chừng giúp tôi “hạ hỏa” chút, rồi tiếp tục chờ…

Nhưng chờ mãi, gọi mãi vẫn không nghe thưa. Bà vợ tôi quyết định vô tận bếp nghe ngóng tình hình xem sao. Lát sau, thấy chị chàng lễ mễ bưng ra một khay combo đủ bánh, bún, nước chấm, rau sống … Vừa thoăn thoắt soạn ra bàn, vừa phân bua: “May mà vô bưng, không thì có qua hết rằm cũng không có mà ăn.”- “Chi mà ghê vậy?”- “À, quán họ thiếu nhân viên phục vụ, chị chủ quán bảo nhân viên nhiều người gọi đến báo ốm, nên vỡ trận!”…

Chăm chút cho chất lượng món ăn lẫn phong cách phục vụ vừa níu chân du khách vừa tăng uy tín cho du lịch Huế. (Ảnh minh họa)  

Vậy là nhờ sự năng động chịu khó của “nội tướng” mà nhà tôi vượt được sự chờ đợi. Nhưng những bàn khác xung quanh thì không được như vậy, rất nhiều người trong số họ không giấu được sự bực bội, ức chế trên nét mặt. Một người đàn ông lớn tuổi thoáng thấy cô nhân viên lướt qua đã níu lại nói như mắng: “Này, đây 5 đĩa ăn rồi, đang chờ tiếp 5 tô mà sao mấy chục phút rồi chưa thấy?!”. Tội nghiệp cô nhân viên, mặt mày mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nói như mếu: “Dạ, dạ, bác đợi cho cháu chút nhé. Có liền đây…”. Cô nhân viên vừa biến vào trong, một bàn bên cạnh đó mọi người nói giọng đâu ở miền trong: “Ôi dào, nghe giới thiệu tưởng ngon lành, chuyên nghiệp lắm. Một lần này thôi nhé, lần sau dù có nhét vàng cũng cạch!”…

Vừa ăn vừa quan sát, vừa lắng nghe, tôi không khỏi chột dạ. Dĩ nhiên, khách đông thì quán nhờ mà khách ít thì quán chịu, chẳng liên quan gì đến tôi cả. Nhưng trong câu chuyện này nó đã không chỉ dừng lại ở quyền lợi của quán mà là vô tình đụng chạm đến cái phong cách, lề lối làm ăn, đến uy tín của du lịch Huế. Giá như không có nhân viên thì quán tạm dừng bán một vài hôm, hoặc bán ít lại trong khoảng thời gian hợp lý, vừa với nhân lực phục vụ. Thà rằng khách đến thấy bảng báo “Hết”, thế là khỏi ý kiến ý cò, mà ngược lại có khi còn thôi thúc người ta phải trở lại để được thưởng thức, trải nghiệm cho thỏa mãn, hơn là “cố đấm ăn xôi” ráng bán để kiếm thêm chút lãi mà cuối cùng sẽ mất khách mà thương hiệu Huế cũng ít nhiều bị tổn thương. Và cái mất, cái tổn thương đó mới lâu dài, mới đáng kể.

Thượng Bích