Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế |
Sớm tháo gỡ
Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân (NƠCN) vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản (BĐS).
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, Thừa Thiên Huế cũng như một số địa phương khác vẫn còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi hoàn thiện một cách có hiệu quả.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, tại Thừa Thiên Huế, do quỹ đất phát triển dự án NƠCN lao động động tại khu công nghiệp chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp và đầu tư xây dựng chỉ để bố trí cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê.
Hiện nay chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án NƠCN còn hạn chế. Do đó, vẫn chưa hấp dẫn trong công tác thu hút đầu tư các dự án NƠCN tại khu công nghiệp, ảnh hưởng một phần đến chỉ tiêu phát triển NƠCN theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh đã đề ra.
Về thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, đối với các dự án NƠXH đầu tư xây dựng không phải bằng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công phải lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu, với quy trình lựa chọn nhà đầu tư mất nhiều thời gian và các quy định pháp luật thay đổi liên tục gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ kêu gọi đầu tư.
Ngoài ra, các quy định giữa pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai còn chồng chéo, chưa thống nhất, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng và làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc |
Về giá thành NƠXH, quy định chưa tính đầy đủ các chi phí hợp lý hợp lệ, chưa quy định thời điểm xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH gây lúng túng cho nhà đầu tư khi thực hiện.
Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH chưa đủ hấp dẫn, chưa sát với thực tế, chưa đủ mạnh để thu hút, khuyến khích chủ đầu tư để giảm giá bán cho đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt chính sách ưu đãi vay vốn tín dụng cho các chủ đầu tư dự án và khách hàng mua, thuê NƠXH.
Theo quy định của Chính phủ, “chủ đầu tư dự án phải dành tối thiểu 20% tổng diện tích sàn nhà ở trong phạm vi dự án dành để cho thuê, sau thời gian tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu cho thuê thì chủ đầu tư dự án được phép bán quỹ nhà ở này cho người đang thuê hoặc đối tượng quy định. Tuy nhiên, một số dự án NƠXH trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung chủ yếu khu vực An Vân Dương nằm cách xa khu Đại học Huế và các khu công nghiệp nên nhu cầu thuê nhà ở rất ít, ảnh hưởng đến phương án kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do tồn căn hộ cho thuê và nhà đầu tư lâu thu hồi vốn”, đại diện Sở Xây dựng cho biết thêm.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, mục tiêu của tỉnh đặt ra là sẽ phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ hoàn thành khoảng 7.700 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 3.100 căn, giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 4.600 căn.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu các địa phường lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án NƠXH theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Đồng thời, phải có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển NƠXH, NƠCN để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án.
Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư NƠXH cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH trên phạm vi địa bàn.
Quy hoạch, bố trí các dự án NƠXH, NƠCN độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là tại khu vực địa bàn TP. Huế.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền. Các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án NƠXH, NƠCN, đảm bảo quỹ đất dành để phát triển NƠXH, NƠCN phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ. Coi chỉ tiêu phát triển NƠXH, NƠCN là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải coi việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, bởi đây là dự án đảm bảo an sinh, đời sống ấm no, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Từ đó có những cách làm sáng tạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc thực hiện dự án.
Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát kỹ, áp dụng Luật Đất đai mới được thông qua và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để triển khai dự án NƠXH. Các khu NƠXH phải gắn liền với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân khi đến ở.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huy động nguồn đất sẵn có của các doanh nghiệp, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để tạo quỹ đất xây dựng NƠXH. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về NƠXH, NƠCN dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.