Châu Á-Thái Bình Dương là thị trường sản xuất điện và năng lượng tái tạo lớn nhất hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN  

Là nơi sinh sống của một nửa dân số thế giới và đóng góp 1/3 vào GDP toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ duy trì 50% nhu cầu năng lượng sơ cấp và 60% lượng phát thải carbon của toàn thế giới cho đến năm 2050. Xu hướng này khó có thể thay đổi nếu không có hành động chính sách và đầu tư mạnh mẽ. Tuy nhiên, khu vực này vẫn có tiềm năng biến những thách thức này thành cơ hội và trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng, báo cáo “Triển vọng chuyển đổi năng lượng châu Á-Thái Bình Dương” (ETO) của Wood Mackenzie nêu rõ.

“Mỗi quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều rất khác nhau về tốc độ tăng dân số, phát triển kinh tế, bối cảnh chính sách, nguồn tài nguyên thiên nhiên mà họ có và - quan trọng hơn - những gì họ không có sẽ quyết định cách họ chuyển đổi sang con đường phát thải thấp”, ông Prakash Sharma, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu kịch bản và Công nghệ tại Wood Mackenzie cho biết.

Con đường chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp

Cũng theo Wood Mackenzie, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là thị trường sản xuất điện và năng lượng tái tạo lớn nhất hiện nay, và cũng là thị trường đa dạng nhất. Mỗi quốc gia có các nguồn lực địa phương, các yếu tố kinh tế và tình hình chính trị khác nhau để thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Để cân bằng các bước cần thiết nhằm khử carbon phù hợp với điều kiện thực tế thì “năng lượng tái tạo và xe điện (EV) sẽ là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi của khu vực này”, chuyên gia về chuyển đổi năng lượng Jom Madan tiết lộ.

Theo kịch bản cơ bản của Wood Mackenzie, nguồn cung xe điện tại châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng từ 24 triệu xe hiện nay lên con số đáng kinh ngạc là 635 triệu chiếc vào năm 2050. Hơn nữa, nguồn cung xe điện dự kiến sẽ tăng thêm 30% trong kịch bản các nước tuân theo đúng cam kết đã đặt ra. Và với kịch bản “Không phát thải ròng”, nguồn cung xe điện sẽ đạt mức tăng đáng chú ý là 60%. Sự tăng trưởng theo cấp số nhân này được thúc đẩy bởi giá cả phải chăng của xe điện và sự sẵn có của các nguồn tài nguyên trong khu vực.

Trung tâm của các cơ hội công nghệ mới

Trong kịch bản cơ bản của Wood Mackenzie, nguồn cung carbon thấp chiếm 35% sản lượng điện hiện nay và được dự đoán sẽ tăng lên 75% vào năm 2050, trong khi tỷ lệ năng lượng gió và năng lượng mặt trời tăng lên hơn 54%. Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió tích lũy là 2.000 GW vào năm 2030, vượt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, đến năm 2050, Austrlia sẵn sàng dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sản xuất năng lượng tái tạo, với thị phần hơn 80%.

Theo báo cáo của Wood Mackenzi, sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lượng tái tạo này sẽ đi kèm với việc áp dụng phương pháp lưu trữ năng lượng, hydro, lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ và công nghệ địa nhiệt. Đến năm 2050, gần 50% cơ hội công nghệ mới về phát thải carbon thấp trên thế giới được cho là sẽ diễn ra ở châu Á - Thái Bình Dương.

BẢO NGHI (Lược dịch từ The Edge Malaysia)