Việt Nam nằm trong “top” đầu thế giới về tăng trưởng tài sản trong 10 năm tới. Ảnh minh họa: Baochinhphu |
Trong một bài phân tích được đăng tải trên kênh thông tin kinh tế tài chính CNBC, ông Andrew Amoils – chuyên gia của New World Wealth nói rằng mức độ giàu có của quốc gia Đông Nam Á này được dự báo sẽ tăng 125% trong 10 năm tới. Theo phân tích của công ty, đây sẽ là mức tăng trưởng tài sản cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
“Việt Nam là cơ sở sản xuất ngày càng phổ biến của các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia”, ông Amoils nêu rõ, và cho biết thêm rằng Ấn Độ - quốc gia dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027, sẽ chiếm vị trí thứ hai với mức tăng trưởng tài sản dự kiến 110%.
Theo New World Wealth, Việt Nam - nơi có 19.400 triệu phú và 58 người “siêu siêu giàu” (người có tổng tài sản từ 100 triệu USD trở lên) - được đánh giá là quốc gia tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này thúc đẩy nhiều công ty có thêm động lực để thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, “vị trí chiến lược” của Việt Nam - có chung đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc và gần các tuyến thương mại hàng hải lớn, cùng với chi phí lao động thấp, và cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu của quốc gia đã biến nước này thành một “điểm đến hàng đầu” cho đầu tư quốc tế, công ty tư vấn chiến lược McKinsey cho biết trong một báo cáo.
Cũng theo McKinsey, Việt Nam tự hào khi “có tiếng” về tốc độ tăng trưởng cao và khả năng phục hồi mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ trước các cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Được hỗ trợ bởi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng tài sản tài chính cá nhân (PFA) của Việt Nam đã vượt xa các nước châu Á khác trong thập kỷ qua.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy chỉ mới 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.190 USD, nhưng hiện nay đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD.
Trao đổi với kênh CNBC, ông Andy Ho - Giám đốc Đầu tư của VinaCapital Group nói rằng “Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi”.
Thỏi nam châm hút vốn FDI
Theo ông Andy Ho, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa kết thúc, nhiều công ty đa quốc gia (MNC) đang tìm cách đa dạng hóa sản xuất sang Việt Nam như một phần của chiến lược “Trung Quốc + 1” và Việt Nam liên tục chứng kiến nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ từ các MNC.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) trong năm 2023 đạt gần 36,61 tỷ USD - tăng 32,1% so với năm 2022, trong đó vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Xét về đối tác, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2023, và Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, ông Andy Ho cho rằng các khoản đầu tư nước ngoài được xem như những khoản tiền lâu dài, tạo ra việc làm tốt với mức lương xứng đáng và “giúp hàng triệu người Việt Nam cải thiện chất lượng cuộc sống”.
Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm trọng tâm, được thúc đẩy bởi ba làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ba thập kỷ qua và đất nước đang đứng trước làn sóng thứ tư, chuyên gia kinh tế và Trợ lý Phó Chủ tịch Maybank Brian Lee nhận xét.
Các yếu tố rủi ro
Tuy vậy, vẫn có một số trở ngại có thể cản trở tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam.
Theo ông Lee, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ cần được đào tạo nhiều hơn để giải quyết nhu cầu của các hoạt động sản xuất phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng.
“Có thể làm nhiều hơn nữa để tối đa hóa tác động lan tỏa năng suất từ FDI, thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty nước ngoài và các đối tác trong nước”, ông Lee khuyến nghị.
Song song đó, Giám đốc VinaCapital nhận định suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài cũng có thể tác động đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường phát triển, từ đó có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Bất kỳ sự “giảm giá mạnh” nào của đồng tiền cũng có thể gây trở ngại cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, ông Andy Ho lạc quan tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức có thể nảy sinh trong tương lai, và với nền tảng xây dựng được, đất nước sẽ khó mà chệch khỏi con đường tăng trưởng hiện tại.