Ngân hàng tăng cường các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Tăng trưởng tín dụng thấp
Thời gian vừa qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động, tích cực triển khai các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, kết quả thực hiện một số chương trình tín dụng chưa đạt như kỳ vọng. Đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh chỉ đạt 6,2%, trong khi mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đặt ra vào đầu năm 2023 là 14 đến 15%.
Điều này tạo nên áp lực tăng trưởng không nhỏ cho năm 2024, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 của toàn hệ thống chưa như kỳ vọng. Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về đẩy mạnh tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm. Trong đó, nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất với ở mức 3,41%; ngân hàng 100% vốn nhà nước giảm 2,2%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giảm 0,88%; nhóm thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng nước ngoài giảm 0,32%.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng giảm không xuất phát từ các cơ chế chính sách của ngành ngân hàng, mà chủ yếu xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Tính chất tính thời vụ của nền kinh tế là yếu tố thấy rõ nhất khi chu kỳ quay vòng vốn ngắn hạn của các doanh nghiệp thường sẽ kết thúc chủ yếu vào cuối năm; trong khi đầu năm cả người dân lẫn doanh nghiệp thường hạn chế vay vốn. Vì thế trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng giảm. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trong 2 tháng đầu năm có rất ít dự án đầu tư mới được triển khai, số doanh nghiệp thành lập mới giảm trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiếp cận tín dụng thấp.
Ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi |
Cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Theo dự báo của các ngân hàng, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm khó khăn khi các động lực tăng trưởng kinh tế như: xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân, còn chậm; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thừa Thiên Huế cũng không nằm ngoài xu hướng chung này.
Theo dự báo của Cục Thống kê tỉnh, bên cạnh các điều kiện thuận lợi từ kết quả nổi bật trong năm 2023 về ổn định vĩ mô, kinh tế tăng trưởng khá, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, đời sống người dân ổn định. Sang năm 2024, kinh tế Thừa Thiên Huế dự báo vẫn đối mặt với những thách thức từ trong nước và nội tại của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ sẽ khó đạt mức tăng trưởng cao khi ngành du lịch gần như không còn dư địa, trong khi đó, sự suy giảm của bất động sản chưa có dấu hiệu khôi phục. Trong năm, các dự án có năng lực mới trong sản xuất công nghiệp dự kiến đưa vào hoạt động dự kiến sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế. Song trong bối cảnh tổng cầu thế giới dự báo sẽ khó phục hồi, nên năng lực sản xuất các nhà máy này không phát huy hết công suất.
Những dự báo này phần nào phản ánh sức ép lớn trong tăng trưởng kinh tế địa bàn nói chung và tăng trưởng tín dụng năm 2024 nói riêng. Câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tạo động lực trong tăng trưởng kinh tế lúc này cũng sẽ không còn là chuyện của ngành ngân hàng.
Khi thực tế để thúc đẩy nền kinh tế cần rất nhiều điều kiện cần và đủ chứ không chỉ có tín dụng. Điều này cũng đặt ngành ngân hàng vào thế khó, vì muốn tăng trưởng tín dụng cũng đòi hỏi sức khỏe doanh nghiệp phải cơ bản đảm bảo các yêu cầu cấp tín dụng. Chưa nói, còn nhiều yếu tố khác tác động đến nhu cầu tín dụng của nền kinh tế như thị trường, môi trường đầu tư kinh doanh… hay bản thân doanh nghiệp phải nhìn nhận ra những cơ hội đầu tư mới, từ đó mới tận dụng nguồn lực tài chính để thúc đẩy.
Chung quy lại thì sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vì muốn tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhưng, muốn tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hay nói đúng hơn là thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn hiện nay, cần sự tham gia hỗ trợ rất lớn từ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa; chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư; chính sách hỗ trợ dự án sớm triển khai; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.