Trồng rừng từ nguồn ERPA

Quỹ BV&PTR được tỉnh đánh giá có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thành chi trả tiền ERPA trước Tết cho bà con với tổng kinh phí giải ngân hơn đạt 96% so với kế hoạch. Thừa Thiên Huế được đánh giá là tỉnh dẫn đầu trong 6 tỉnh được thí điểm ERPA khi sớm triển khai giải ngân chi trả và đạt tiến độ theo yêu cầu.

Không chỉ chi trả đạt tiến độ đề ra, Quỹ BV&PTR còn phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn cho các chủ rừng xây dựng kế hoạch sử dụng tiền một cách hiệu quả. Phát huy những kinh nghiệm từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng (nước sạch, thủy điện) trong hơn 12 năm qua, hầu hết người dân đều sử dụng tiền chủ yếu mua giống cây trồng, vật nuôi để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ cho các công trình công cộng. Từ đó, hạn chế tối đa dựa vào rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đời sống cho bà con.

Ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Quỹ BV&PTR thông tin, để triển khai thực hiện chi trả kinh phí, đơn vị phối hợp với các hạt kiểm lâm các huyện, UBND các xã đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ chi trả từ nguồn ERPA cho các chủ rừng; phối hợp triển khai công tác thực hiện thỏa thuận tham gia quản lý rừng, hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng.

Đồng thời, Quỹ BV&PTR phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện tổ chức chi trả tiền ERPA cho những nhóm hộ, hộ gia đình đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, hạn chế rủi ro, thất thoát và thực hiện đúng theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022. Theo đó, việc chi trả kinh phí đảm bảo đúng đối tượng, danh sách hộ, nhóm hộ được nhận tiền niêm yết công khai tại các điểm công cộng.

Thực hiện Nghị định số 107 của Chính phủ, các chủ rừng là tổ chức đã phối hợp với chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư hợp pháp trong khu vực tiếp giáp với rừng tự nhiên nhằm xác định diện tích rừng muốn nhận khoán bảo vệ và mô hình phát triển sinh kế cần được đầu tư hỗ trợ.

Trên cơ sở danh sách các cộng đồng có 105 cộng đồng tham gia thỏa thuận quản lý rừng, Quỹ BV&PTR đã tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách các cộng đồng tham gia quản lý rừng được hỗ trợ phát triển sinh kế từ chủ rừng là tổ chức. Mỗi cộng đồng này được nhận khoán bảo vệ rừng 300-450 ngàn đồng/ha và hỗ trợ phát triển sinh kế 50 triệu đồng/ha/năm từ nguồn ERPA.

Tổng diện tích rừng phải chi trả năm 2023 theo kế hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt hơn 205.602ha. Diện tích đã chi trả tính đến ngày 15/2/2024 là 199.327,95ha. Diện tích còn lại phải chi trả trên 6.274ha, Quỹ BV&PTR đang hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho các đối tượng hưởng lợi trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời chi trả.

Kế hoạch tháng 3, Quỹ BV&PTR tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ chi trả từ nguồn ERPA năm 2023; triển khai công tác thực hiện thỏa thuận tham gia quản lý rừng, hỗ trợ sinh kế của 105 cộng đồng có tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng là các tổ chức.

Quỹ BV&PTR xây dựng kế hoạch triển khai các công tác chuyên môn nghiệp vụ như kiểm tra giám sát, truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực trong thực hiện ERPA cho các bên liên quan. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tài chính năm 2024 bằng nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ tại Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: THẾ VƯƠNG