Theo UNCTAD, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp các nước tránh “bẫy thu nhập trung bình”. Ảnh minh họa: Shutter Stocks 

Theo Phó Tổng thư ký Moreno, những quốc gia này - nơi sinh sống của khoảng 62% người nghèo trên thế giới, đang phải đối mặt với các khoản nợ chồng chất cũng như tình trạng dễ bị tổn thương do khí hậu ngày càng trầm trọng, nhưng lại thiếu sự hỗ trợ toàn cầu.

“Hành trình đầy thử thách”

UNCTAD cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, rất ít quốc gia có thu nhập trung bình có thể bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến. Thậm chí, một số nước này còn chứng kiến thu nhập bình quân đầu người giảm sút.

“Hành trình đầy thử thách” để bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến bị cản trở bởi sự phức tạp của những thay đổi và tăng trưởng cơ cấu, đặc biệt là khi những lợi ích ban đầu của việc chuyển lao động từ nông nghiệp sang sản xuất ngày càng suy yếu.

Theo các nhà phân tích, khi tăng trưởng của các nước thu nhập trung bình này mở rộng, nguồn lao động thiếu việc làm ở nông thôn sẽ giảm đi. Do đó, để tiếp tục tiến lên các bậc thang cao hơn và tránh cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”, họ cần xây dựng năng lực phát triển sản phẩm mới.

Vai trò quan trọng của chính sách công nghiệp

Để giúp các nước tránh “bẫy thu nhập”, chính sách công nghiệp phù hợp được xem là có vai trò thiết yếu, điển hình là mô hình thành công ở một số nước Đông Á như Hàn Quốc.

Các quốc gia này tận dụng các kỹ năng công nghiệp hiện có trong nước để phát triển và mở rộng các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu mới, chuyển sang các lĩnh vực phức tạp hơn và có giá trị cao hơn như thép và điện tử. Theo đánh giá, trọng tâm của những thành công này chính là các chính sách công nghiệp có mục tiêu.

Cần giảm bớt gánh nặng nợ ngày càng tăng

Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký UNCTAD cho biết, những chiến lược như vậy đòi hỏi phải có không gian tài chính – vốn đang bị hạn chế ở các nước thu nhập trung bình do gánh nặng nợ ngày càng tăng và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế.

Ngày nay, 3,3 tỷ người sống ở các quốc gia đang chi trả nợ cao hơn là chi cho y tế hoặc giáo dục. Và hầu hết họ sống ở các quốc gia có thu nhập trung bình, không đủ điều kiện để được giảm nợ thông qua Khuôn khổ chung của G20 về xử lý nợ.

Trong bối cảnh đó, UNCTAD kêu gọi một cơ chế giảm nợ hiệu quả nhằm hỗ trợ việc tạm dừng thanh toán, kéo dài thời hạn cho vay và hạ lãi suất thấp hơn nữa. Tổ chức này cũng ủng hộ hành động khẩn cấp để cung cấp nguồn tài chính dài hạn, giá cả phải chăng cho đầu tư vào các nước thu nhập trung bình, đồng thời cho rằng việc tái cấp vốn cho các ngân hàng phát triển đa phương là một hướng đi đúng đắn.

Đáng lưu ý, đại diện UNCTAD cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chính sách công nghiệp trong việc tận dụng tiềm năng “xanh” của các quốc gia này. Theo ông Moreno, các nước thu nhập trung bình có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo và quá trình chuyển đổi năng lượng”, điển hình như Maroc - đất nước hiện sở hữu một trong những trang trại gió lớn nhất châu Phi và có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu năng lượng mặt trời chính của khu vực.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Business Insider)