Hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện

Gia đình anh Hồ Văn Lương thuộc đồng bào Vân Kiều, sinh sống tại bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc. Hoàn cảnh khó khăn nên nhiều năm qua, gia đình anh không có điều kiện xây dựng lại nhà mới, phải sống trong ngôi nhà tạm bợ xuống cấp, mưa dột. Thông qua Hội Phụ nữ và Ban Vận động giảm nghèo bền vững xã, tổ chức Rồng Xanh hỗ trợ 90 triệu đồng, cùng các nguồn lực khác, vợ chồng anh Lương đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang. Ngoài ra, anh còn được tặng trâu giống để phát triển chăn nuôi. Đến cuối năm 2023, hộ gia đình anh Lương chính thức thoát nghèo. Anh Lương chia sẻ: “Sự giúp đỡ của các cấp, đơn vị vừa là sự hỗ trợ vật chất, cũng là động viên tinh thần rất lớn giúp gia đình tôi vươn lên”.

Năm 2023, toàn huyện Phú Lộc có thêm 447 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,66%, tương ứng giảm 0,43% so với kế hoạch và giảm 1,08% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 1,77%, vượt chỉ tiêu trước 2 năm so với Nghị quyết Tỉnh ủy, Huyện ủy giao.

Có được kết quả đó, huyện Phú Lộc đang áp dụng nhiều cách. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát được các cấp, các ngành của huyện triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ người dân còn khó khăn về nhà ở. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện đã huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân hơn 7 tỷ đồng để giúp đỡ sinh kế, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ xây mới 11 ngôi nhà, sửa chữa 17 nhà, hỗ trợ sinh kế và các chỉ số thiếu hụt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đối với kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của năm 2023, ngân sách phân bổ hơn 20 tỷ đồng để đầu tư các công trình ở 3 xã bãi ngang ven biển của huyện Phú Lộc và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo. Từ đây, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện vươn lên. Đơn cử như gia đình chị Trần Thị Kim Anh, trú tại thôn Tân An, xã Lộc Bình, trước đây có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi chị bệnh nặng và 3 đứa con của anh chị còn nhỏ, đang tuổi ăn học. Gia đình chị được Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Đoàn Thanh niên xã Lộc Bình hỗ trợ bò giống, vịt giống để phát triển kinh tế. Đoàn Thanh niên địa phương cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên và hướng dẫn kỹ thuật khi cần thiết. Chị Trần Thị Kim Anh chia sẻ: “Từ sự hỗ trợ của các các cấp, tôi đã phấn đấu thoát nghèo. Đến nay đời sống đã ổn, tôi muốn nhường cơ hội cho người khác”.

Việc hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được huyện chú trọng. UBND huyện đã phối hợp với các công ty, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp tuyển dụng tổ chức tư vấn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho hơn 1.500 thanh niên và người dân. Cùng với đó, huyện thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi cho đối tượng hộ nghèo đi lao động ở nước ngoài. Năm 2023, huyện Phú Lộc đã đưa 389 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,7% kế hoạch. Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa nhà tạm bợ để có giải pháp hỗ trợ cụ thể. Trong 2 năm trở lại đây, đã có hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Các cơ quan chuyên môn đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho hàng chục nghìn lượt nông dân. Bên cạnh đó, các đơn vị của huyện Phú Lộc cũng nỗ lực tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Một trong những điểm nổi bật ở huyện Phú Lộc là phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đã được phát động và lan tỏa ở hầu hết các địa phương trong huyện. Già làng Hồ Phai, Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc cho biết, trong năm vừa qua, các ban ngành, đoàn thể cùng già làng, trưởng bản phối, kết hợp tích cực tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực của hộ gia đình để thoát nghèo bền vững; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng các loại cây, nuôi các loại con có hiệu quả kinh tế cao, từ đó bà con tích cực hưởng ứng các phong trào phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc chia sẻ, huyện Phú Lộc đã xây dựng cụ thể kế hoạch hỗ trợ phương án thoát nghèo của từng năm. Bên cạnh những cách hỗ trợ như lâu nay, huyện tiếp tục tập trung đổi mới phương thức hỗ trợ giảm nghèo theo hướng hiệu quả, lâu dài, bền vững; chú trọng hỗ trợ các mô hình sinh kế phù hợp với trình độ sản xuất của người dân.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU