Tang vật của vụ trộm cổ vật, đồ thờ tự được Công an TP. Huế thu giữ |
Từ thực tế các vụ việc thời gian qua cho thấy, các đối tượng “nhắm đến” các nhà thờ, đình làng, điểm di tích không có người trông coi hoặc có trông coi một cách sơ sài, nhất là không có hệ thống thiết bị cảnh báo chống trộm để lén lút trộm cắp tài sản có giá trị bên trong.
“Trông coi các đình làng, nhà thờ phần lớn là những người lớn tuổi, lại không thường xuyên, nên các đối tượng rất dễ dàng để đột nhập vào bên trong trộm cắp tài sản”, một người dân trú tại phường An Cựu (TP. Huế) trò chuyện.
Trước đó, tại đình làng Đốc Sơ, phường Hương Sơ (TP. Huế), kẻ gian đã phá khóa đình làng, lẻn vào bên trong lấy trộm 1 bộ lư đồng, 3 bộ đèn thờ bằng đồng và 1 phèn la bằng đồng.
Tiếp đó, kẻ gian đã phá khóa, đột nhập nhà thờ họ Lê Văn, tại phường Hương Sơ (TP. Huế) lấy trộm 2 bức liễn gỗ; 2 bức hoành bằng gỗ. Tại nhà thờ số 58 Tăng Bạt Hổ, phường Tây Lộc (TP. Huế), kẻ gian cũng đã phá khóa, lấy trộm 2 bộ lư đồng và 2 con hạc bằng đồng.
Kẻ gian cũng đã đột nhập di tích Điện Voi Ré (kiệt 373 Bùi Thị Xuân, Thủy Biều, TP. Huế) cắt khuy khóa, lấy trộm 1 bức hoành…
Trước thực trạng này, lực lượng công an đã vào cuộc để sớm tìm ra thủ phạm. Từ thông tin của bị hại và thực tế tại hiện trường các vụ trộm, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an TP. Huế xác định, các vụ trộm cắp xảy ra tại các nhà thờ, đình làng, điểm di tích thời gian gần đây đều do 1 nhóm đối tượng thực hiện.
Sau nhiều ngày mật phục, lực lượng công an đã bắt giữ được Nguyễn Minh Diệp (SN 1975), trú phường Thuận Lộc (TP. Huế) và Trương Minh Thắng (SN 1997), trú tại TX. Hương Thủy.
Bước đầu, 2 đối tượng khai nhận, đã gây ra 7 vụ trộm cắp tài sản tại các nơi thờ tự, di tích. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng và nơi đối tượng tiêu thụ tài sản tại số 31 Ngô Thế Lân, phường Tây Lộc (TP. Huế), công an đã thu giữ nhiều tang vật của vụ trộm và các công cụ dùng để phá khóa, cạy cửa... Diệp và Thắng là 2 đối tượng có tiền án về tội "trộm cắp tài sản", nghiện ma túy, có tiền sự về hành vi "sử dụng trái phép chất ma túy".
Nhận lại được tài sản bị mất trộm, ông Dương Ngọc Minh - đại diện phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế và ông Lê Ngọc Thành - đại diện đình làng Đốc Sơ, phường An Hòa (TP. Huế)… bày tỏ niềm vui mừng và cảm ơn đến Công an TP. Huế đã sớm tìm ra các đối tượng, trao lại tài sản bị đánh cắp cho các đơn vị, người dân.
Đây là những tài sản có giá trị lớn về văn hóa, tinh thần của các đơn vị, cá nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của cha ông đi trước.
Theo Công an TP. Huế, cách đây hơn 2 năm, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản với thủ đoạn tương tự; trong đó, tài sản mất trộm là đồ vật để thờ cúng rất có giá trị.
Tại đình làng Dạ Lê, phường Thủy Vân (TP. Huế) kẻ gian lấy đi 16 tấm liễn có niên đại hàng trăm năm. Hay tại đình làng Hiền Sỹ, kẻ gian đột nhập lấy trộm lọ lục bình và ché cổ quý hiếm có từ thời vua Tự Đức. Hay ở Quốc tự Diệu Đế (100 Bạch Đằng, TP. Huế) cũng bị kẻ gian lẻn vào lấy đi pho tượng quý có tên là Nữ Long Bồ Tát; hay ở chùa Ba Đồn (phường An Tây, TP. Huế) cũng từng bị trộm đột nhập trộm 2 quả chuông cổ...
Dù đã được lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng có liên quan, nhưng vấn nạn, trộm cắp tài sản tại các nhà thờ, đình làng, điểm di tích vẫn diễn ra. Nguyên nhân có phần do công tác quản lý, bảo vệ các cổ vật tại nhiều đình làng, chùa, di tích vẫn còn rất lỏng lẻo. Nhu cầu sưu tầm cổ vật ngày càng cao, thị trường buôn bán cổ vật vẫn diễn ra rất sôi động, nên phát sinh nạn trộm cắp tài sản tại các nhà thờ, đình làng, điểm di tích.
Trước khi gây án, các đối tượng thường khảo sát kỹ giá trị của các đồ thờ cúng, nhất là nắm rõ tình hình lối ra vào, sau đó tìm cách đột nhập vào bên trong, dùng các vật dụng đa năng để cắt khóa cửa hoặc trèo lên mái đình dỡ ngói để vào bên trong lấy cắp tài sản.
Công an tỉnh, Công an TP. Huế và công an các địa phương khuyến cáo, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, bám nắm, quản lý địa bàn thật chắc thì, các dòng họ, làng xã, nhân viên bảo vệ di tích cũng cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo quản, bảo vệ tài sản của dòng họ mình, tránh để kẻ xấu có cơ hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Không chỉ phân công người trực bảo vệ vào ban đêm, tại các nhà thờ, đình làng, điểm di tích cần trang bị hệ thống chống trộm. Nếu phát hiện đối tượng tình nghi, cần báo ngay với lực lượng công an gần nhất để phối hợp xử lý.