Các gian hàng bán thực phẩm tại một khu chợ ở thành phố Daegu, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Cụ thể, báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á 2024 của ADB cho biết, dựa trên Chỉ số Hợp tác và Hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực này cho thấy sự hội nhập tương đương với EU trong các chuỗi giá trị khu vực, cùng với con người và hội nhập xã hội.

“Tiến bộ đáng kể nhất được ghi nhận ở khía cạnh công nghệ và kết nối kỹ thuật số của châu Á - Thái Bình Dương, được thúc đẩy bởi việc nhiều nền kinh tế áp dụng các chính sách chuyển đổi kỹ thuật số, tốc độ này đã tăng lên trong giai đoạn đại dịch COVID-19”, báo cáo lưu ý.

Tiến bộ công nghệ và kết nối kỹ thuật số được xem là “xương sống” của hội nhập. Mức độ hội nhập tăng mạnh, nhất là trong đại dịch COVID-19, phần lớn có thể là do việc tích cực áp dụng các chính sách chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn khu vực.

Bước nhảy vọt về kỹ thuật số này không chỉ tạo điều kiện cho các hoạt động xuyên biên giới diễn ra suôn sẻ hơn, mà còn mở đường cho sự tham gia kinh tế bao trùm hơn. Lợi ích của quá trình số hóa này rất đa dạng, trải dài từ việc tăng cường thuận lợi hóa thương mại đến các liên kết chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn, từ đó tạo ra một bối cảnh kinh tế kết nối và linh hoạt hơn.

Cũng theo báo cáo của ADB, hội nhập khu vực đã trở thành “một vùng đệm quan trọng chống lại những cú sốc toàn cầu”, đồng thời giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của những cú sốc này.

Trong khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và rủi ro của sự phân mảnh toàn cầu gây ra những thách thức kinh tế phức tạp, thì việc mở rộng sự hợp tác và đầu tư vào kết nối có thể tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và mang lại những lợi ích chung.

“Đối thoại và thảo luận chặt chẽ hơn về các chính sách khu vực sẽ giúp các nền kinh tế châu Á đáp ứng tốt hơn những thách thức và rủi ro về tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng và vấn đề biến đổi khí hậu”, báo cáo của ADB nhận định.

Được biết, báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á 2024 cung cấp cái nhìn tổng quan về những thay đổi trong thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu, đầu tư xuyên biên giới, hội nhập tài chính, và sự di chuyển của người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tìm kiếm cách thức khử carbon trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ ADB & Xinhua)