Bê tông hạng mục cột trong xây dựng dân dụng cần chú ý bảo dưỡng sau khi tháo cốp pha

Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, hiện tượng rạn nứt trần bê tông dẫn đến thấm trần bê tông gây mất thẩm mỹ, giảm công năng sử dụng của sàn nhà sau thời gian thi công xảy ra tương đối phổ biến hiện nay.

Nứt sàn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nền móng yếu, cốp pha bị dịch chuyển khi bê tông chưa đông cứng, công tác đổ bê tông không đảm bảo, bê tông bị giãn nở và co lại do sự thay đổi của điều kiện tự nhiên như độ ẩm, nhiệt độ...

Trong các công trình xây dựng, công tác bê tông đóng một vai trò quan trọng trong các bộ phận kết cấu. Bê tông cốt thép được xem như là xương sống của công trình, vì vậy việc đảm bảo chất lượng bê tông trong xây dựng là yếu tố tiên quyết đảm bảo bền vững cho công trình.

Ông Tôn Thất Tùng Thành, Trưởng phòng Thí nghiệm - Kiểm tra chất lượng sản phẩm (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm) chia sẻ, thiết kế cấp phối bê tông là quá trình tính toán để tìm ra tỷ lệ cát, đá, xi măng, nước phụ gia (nếu có) hợp lý cho hỗn hợp này và đúng quy chuẩn của vật liệu bê tông nhằm đạt các tiêu chuẩn chất lượng cũng như phù hợp với điều kiện thực tế sử dụng.

Cấp phối bê tông phụ thuộc vào mác bê tông, kích thước hạt cát, đá, loại xi măng và chất lượng, thành phần phụ gia (nếu có). Trên thực tế xây nhà ở đơn lẻ, một số bác thợ xây làm theo kinh nghiệm, theo cảm tính… trộn bê tông và điều chỉnh cát, xi măng sao cho thấy vừa, dẻo là được. Rất ít các đội thợ đong đếm cẩn thận khi chuẩn bị hỗn hợp bê tông thi công.

Điều này có thể tạo ra bê tông kém chất lượng, gây lãng phí, chất lượng không đồng đều, dễ gây nứt thấm. Để đảm bảo chất lượng bê tông, dựa trên tính toán và thực nghiệm, Bộ Xây dựng đã đưa ra bảng quy định định mức vật tư trong xây dựng với đầy đủ phần định mức cấp phối vật liệu cho các loại bê tông dân dụng thông thường. Các nhà sản xuất xi măng đã cụ thể hóa định mức này phù hợp với chất lượng sản phẩm và in trên vỏ bao xi măng hướng dẫn các tỷ lệ cấp phối vữa, bê tông. 

  Đảm bảo chất lượng bê tông trong xây dựng là yếu tố tiên quyết bền vững cho công trình

Theo đó, công tác lựa chọn vật liệu xi măng, đối với bê tông thông thường, phổ biến hiện nay loại xi măng sử dụng cho các công trình nhà ở như PCB40, PCB30 phù hợp tiêu chuẩn TCVN 6260:2020. Nguyên tắc chung là không nên dùng xi măng mác thấp chế tạo bê tông mác cao và ngược lại, theo nguyên tắc này người sử dụng có thể chọn chủng loại xi măng phù hợp cho từng hạng mục công trình.

Nên sử dụng cát vàng, loại cát sông có cỡ hạt phân bố đều đường kính các hạt từ 0.5 đến 3.0 mm, ít tạp chất, bụi bẩn và bùn sét... Cát nên được sàng lọc trước khi sử dụng là một giải pháp tốt trước khi dùng trộn hỗn hợp bê tông hay vữa xây tô.

Đá phải có độ cứng cao, sạch, không lẫn đá vụn và không lẫn tạp chất bụi, bùn sét; không lựa chọn loại đá có chứa nhiều hạt thoi dẹt và nên sử dụng nước sạch để trộn bê tông. Nước không chứa váng dầu, mỡ, nhiễm phèn hay tạp chất hữu cơ và các muối gây ăn mòn.

Nếu sử dụng phụ gia thì lưu ý sử dụng những loại phụ gia có nguồn gốc rõ ràng và thương hiệu uy tín. Khi sử dụng phải có sự tư vấn của đại diện nhà sản xuất hoặc đọc hiểu kỹ hướng dẫn sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng quá liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Theo cấp phối đã định sẵn, các cốt liệu được cân/ đong để tiến hành trộn hỗn hợp bê tông. Điều quan trọng ở công đoạn này là giảm lượng nước trộn trong hỗn hợp bê tông đến mức phù hợp, trộn đều và đồng nhất ở mỗi mẻ và toàn khối đổ.

Theo ông Tôn Thất Tùng Thành, tỷ lệ nước trộn trong hỗn hợp bê tông ảnh hưởng lớn và đóng vai trò quyết định chất lượng của bê tông. Tỷ lệ lượng nước trộn thấp sẽ giúp cho bê tông có độ bền bỉ cao hơn, cải thiện tính chống thấm và hạn chế nứt đặc biệt là các vết nứt lớn.

 Lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo đổ bê tông trong xây dựng công trình nhà ở

Thông thường, tỷ lệ lượng nước trộn so với khối lượng xi măng trong hỗn hợp bê tông không vượt quá 0,5. Có nhiều cách để trộn bê tông sao cho đạt được hiệu quả cao nhất, có thể sử dụng cách trộn thủ công hoặc cách trộn bằng máy trộn chuyên dụng. Hiện nay, hầu hết mọi công trình thường sử dụng máy trộn bê tông để tiết kiệm thời gian và tăng chất lượng cho bê tông, tiết kiệm được sức lao động.

Ngoài ra, để có một mẻ bê tông chất lượng, đảm bảo đạt cường độ thiết kế, công tác chuẩn bị thi công đổ, đầm và hoàn thiện bề mặt bê tông và công tác bảo dưỡng, tháo cốp pha cũng cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bê tông.

Việc bảo dưỡng nhằm đảm bảo giữ ẩm cho bê tông, bảo vệ bê tông tránh khỏi sự mất nước nhanh và những ảnh hưởng không tốt trong suốt quá trình đóng rắn ban đầu của bê tông. Công tác bảo dưỡng không đạt yêu cầu có thể gây ra các hiện tượng nứt nẻ bề mặt sàn, trắng mặt sàn, bê tông không đạt cường độ thiết kế.

Tháo cốp pha, đối với bê tông đổ hạng mục cột, tường thấp thì thông thường theo thói quen thợ xây sẽ tháo dỡ cốp pha ngay sau sáng hôm sau. Tuy nhiên, việc làm này là không đúng và có nguy cơ bê tông bị bong tróc hoặc có thể bị sập vì bê tông có thể sẽ chưa đông cứng. Trước khi gỡ, phải lưu ý kiểm tra ở những phần hở xem bê tông đã cứng chưa để có kế hoạch tháo cho hợp lý.

Đối với bê tông sàn, dầm thì thông thường cường độ (mác bê tông) phải đạt khoảng 80% so với mác thiết kế mới được tháo cốp pha. Hiện nay đối với cấp phối bê tông dân dụng không sử dụng phụ gia thì sau thời gian 21 ngày thì có thể tháo cốp pha. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào loại và lượng xi măng, chất lượng nguyên vật liệu...

Bài, ảnh: Bách Nguyên