Sinh viên theo học ngành Công nghệ thông tin tại Trường đại học Khoa học, Đại học Huế |
Cạnh tranh khốc liệt
Mùa tuyển sinh 2024 đã chính thức bắt đầu. Chỉ mới khởi động, song việc triển khai các giải pháp để thu hút sinh viên đã được các trường trong cả nước tiến hành “rầm rộ”. Từ đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh; công bố những chỉ số về tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường; những chính sách về miễn giảm học phí, học bổng…
Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế nhìn nhận, khác với thời điểm trước kia, tuyển sinh đại học hiện nay có tính cạnh tranh “khốc liệt” hơn rất nhiều. Nếu như trước đây chỉ áp dụng xét tuyển điểm thi đại học, sau này là điểm thi tốt nghiệp THPT, thì nay có đến 5 - 6 phương thức tuyển sinh. Việc mở rộng thêm xét điểm học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực… đã giúp học sinh có nhiều lựa chọn ngành, trường học. Cùng với đó là xu hướng tự chủ, mỗi trường có thể áp dụng mức học phí khác nhau, nhiều trường triển khai các gói học bổng hấp dẫn, nên cũng tác động rất lớn đến thu hút người học.
Tại chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại TP. Huế đầu tháng 1/2024, các chuyên gia dự báo, tuyển sinh năm nay 2024 sẽ tính cạnh tranh cao hơn so với các năm về trước. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là rất nhiều trường triển khai mở nhiều ngành đào tạo mới, kéo theo đó là tăng số lượng tuyển sinh. Điều này tạo thêm những lựa chọn cho người học, song về phía các cơ sở giáo dục đại học tạo ra những thách thức lớn hơn. Đặc biệt với những trường, những ngành lâu nay đã khó tuyển sinh, dự báo sẽ càng thêm khó.
PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế phân tích, thời gian qua, lĩnh vực được cả xã hội quan tâm là bán dẫn, khi thông tin thế giới đang có sự chuyển dịch sản xuất chip bán dẫn sang Việt Nam. Đón đầu xu hướng này, tất cả các trường đào tạo liên quan đều “chạy đua” mở ngành học mới, hoặc chuyên ngành mới. Với một ngành học mới, nhiều trường cùng triển khai, công tác thu hút sinh viên sẽ có sự cạnh tranh rất lớn.
Năm 2024, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ mở hai chuyên ngành đào tạo về bán dẫn và ô tô điện |
Thay đổi cách tiếp cận
Bốn năm trở về trước, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức tư vấn tuyển sinh bằng cách đến các trường THPT, xin một thời gian trong tiết chào cờ và bắt đầu giới thiệu về trường, phát tờ rơi, tặng quà, tặng học bổng… Cách tổ chức này không hiệu quả, nhiều em nhận tờ rơi xong không cần đọc, nên trường đổi cách làm.
Nắm bắt trong chương trình THPT có tiết trải nghiệm và hướng nghiệp, trường đã xây dựng một bài giảng định hướng nghề nghiệp tổ chức cho các trường THPT. Tại đây, trường tư vấn với sức học, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình… thì các em nên chọn trường nào phù hợp. Hoàn toàn không bằng mọi cách để giới thiệu các em vào học tại Trường đại học Khoa học. Dù không tư vấn các em vào trường, song bằng phương thức hướng nghiệp, đã gây ấn tượng về trường đối với học sinh. Đồng thời, nhà trường tổ chức các sự kiện và đưa sinh viên đến trải nghiệm tại trường. Tại đây, các em được hướng dẫn cách làm xà phòng, chưng cất tinh dầu; với ngành công nghệ thông tin, các em tự chuẩn bị các mô - đun, lập trình các robot và chạy trên đoạn đường đã được các em lập trình. Bằng cách làm như thế, trong năm 2022, có ít nhất 7.000 học sinh của 25 trường THPT Thừa Thiên Huế và Quảng Trị biết đến trường.
PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế phân tích, xác định lại cách thức vận hành, thay đổi cách làm đã khiến công tác tuyển sinh của nhà trường chuyển biến tốt và đến thời điểm này được cho là đang đi đúng hướng. Tỷ lệ tuyển sinh tịnh tiến theo từng năm, cụ thể năm 2020 tuyển được 750 sinh viên, năm 2021 là 1.150 sinh viên, năm 2022 là 1.200 sinh viên và năm 2023 là hơn 1.300 sinh viên. Hiện có những ngành chủ lực tuyển sinh tốt, đó là cơ sở để trường bù đắp cho những ngành cơ bản. Điều này còn giúp giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng về đào tạo các ngành cơ bản.
PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường đại học Luật, Đại học Huế cho rằng, với định hướng tự chủ đại học hoàn toàn như hiện nay, chỉ có thể duy trì hoạt động khi tuyển được sinh viên. Nếu tuyển sinh gặp khó, sẽ kéo theo sự vận hành cả bộ máy có vấn đề. Hoạt động của trường đại học hiện nay phải cần thay đổi, không thể ngồi và chờ đợi. Nói cách khách là bây giờ phải đi tìm người học, chứ không đợi người học tự tìm đến. Khi xác định được mục tiêu như thế, chắc chắn cả bộ máy phải vận động liên tục, tìm ra những phương thức mới để thu hút người học.
Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Năm 2024, Đại học Huế dự kiến tuyển sinh khoảng 15.000 chỉ tiêu và mục tiêu đặt ra là có 90% thí sinh nhập học. Nhìn vào bức tranh tuyển sinh của Đại học Huế nhiều năm qua, các chuyên gia đưa ra nhận định cho năm 2024 rằng, những trường “top” trên, đã có thương hiệu như Trường đại học Y – Dược, Trường đại học Sư phạm, hay những trường thuộc “top” khá như Trường đại học Luật, Trường đại học Kinh tế tiếp tục duy trì được khả năng tuyển sinh tốt. Còn với Trường đại học Nông Lâm, một số ngành cơ bản của Trường đại học Khoa học; hai ngành nghệ thuật cơ bản hội họa và điêu khắc của Trường đại học Nghệ thuật vẫn sẽ gặp khó trong tuyển sinh.
TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế cho biết, bước vào mùa tuyển sinh 2024, Đại học Huế đồng loạt triển khai nhiều giải pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để quảng bá tuyển sinh; khảo sát nhu cầu người học, mở thêm những ngành đào tạo mới đáp ứng với xu hướng phát triển; tăng cường mở rộng thị trường tuyển sinh ra các tỉnh thành trong khu miền Trung – Tây Nguyên… Riêng trong mùa tuyển sinh 2024, Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức đánh giá năng lực ngay tại Huế, điều này giúp học sinh tiết kiệm được thời gian và kinh phí vào TP. Hồ Chí Minh như mọi năm.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế khẳng định, song song với công tác tuyển sinh, giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước nâng cao chuẩn đầu vào và kiểm soát chất lượng đầu ra. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Đại học Huế triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý... Đồng thời, mở rộng liên kết mạng lưới giáo dục đại học để chia sẻ nguồn lực, các hoạt động, không chỉ hỗ trợ nhau cùng phát triển mà tiến đến cạnh tranh về người học bằng chất lượng.
Xu hướng hiện nay của người học là chọn những ngành nghề cụ thể. Vì vậy, việc đào tạo càng có tính thực tiễn càng cao sẽ càng thu hút được người học. Theo người đứng đầu Đại học Huế, một giải pháp được chỉ ra là thúc đẩy liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là nhà cung cấp thông tin để cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động, hướng đến đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; tham gia xây dựng chương trình đào tạo và trực tiếp đào tạo sinh viên. Quan trọng hơn nữa là doanh nghiệp sẽ giải quyết luôn đầu ra việc làm đối với những em đáp ứng được nhu cầu.