Các cơ sở triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip 

Trước đây, khi đến khám, chữa bệnh người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân, hoặc mất thẻ bảo hiểm khiến việc đăng ký KCB bằng thẻ BHYT gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, các TTHC khi đi KCB đã đơn giản hơn rất nhiều. Người dân chỉ cần mang theo một chiếc thẻ CCCD có gắn chíp, khi quét mã QR, toàn bộ thông tin của người bệnh đều được cập nhật trên phần mềm; nhân viên cơ sở y tế khi tiếp nhận cũng không cần khai thác thêm thông tin của người bệnh, giúp rút ngắn thời gian đăng ký cũng như chờ đợi cho người bệnh.

Bà Nguyễn Thị Minh trú tại phường Trường An, TP. Huế cho biết: “Trước đây khi đi khám, tôi phải chờ đợi để nhân viên y tế kiểm tra giấy tờ, nhập thông tin nên mất nhiều thời gian. Có những lúc quên thẻ hay giấy tờ gì là phải chờ người nhà đưa lên. Giờ có CCCD gắn chíp, tôi đưa cho họ quét là xong, rất tiện lợi”.

Với số lượng người dân đến khám và điều trị bệnh khá đông, trung bình khoảng 500 – 1.000 người/ngày, kể từ khi đơn giản hoá các thủ tục KCB BHYT, Trung tâm Y tế TP. Huế có thể thực hiện KCB một cách nhanh chóng, tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục.

Hướng dẫn người dân sử dụng "VssID- BHXH số" và ứng dụng VNelD 

Để đáp ứng nhu cầu KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, trung tâm đã trang bị đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất gồm đầu quét mã QR, máy tính có sử dụng phần mềm KCB, kết nối trực tiếp với thiết bị đọc mã QR để khai thác thông tin từ CCCD thay thế thẻ BHYT giấy trước đây. Ngoài sử dụng CCCD khi đi KCB, người dân cũng có thể sử dụng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng "VssID - BHXH số” hay ứng dụng định danh điện tử quốc gia VneID. Việc áp dụng linh hoạt các ứng dụng này vào KCB BHYT đã góp phần đảm bảo tính nhanh chóng, thuận tiện, giúp nâng cao chất lượng KCB”

Thực hiện những quy định mới trong việc đơn giản hoá các TTHC trong KCB BHYT, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người tham gia BHYT sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VssID, ứng dụng VneID thay thế thẻ BHYT giấy trong khi đi KCB.

Các cơ sở KCB đã chủ động trong việc thực hiện đơn giản hoá TTHC trong KCB nên khi người dân sử dụng thẻ BHYT giấy, CCCD gắn chip hay ứng dụng VssID đều được bệnh viện hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ BHYT in giấy, cán bộ tiếp nhận sẽ tra cứu thêm thông tin về CCCD. Trường hợp bệnh nhân có mã số CCCD và đáp ứng yêu cầu về đồng bộ dữ liệu, cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn chi tiết việc KCB bằng CCCD trong lần sau. Việc sử dụng CCCD có gắn chíp để KCB đã góp phần hiệu quả trong cải cách TTHC của các cơ sở y tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giúp giảm các giấy tờ liên quan đến thủ tục khám bệnh BHYT.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 187/187 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 281.057 lượt tra cứu, trong đó có 243.399 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế.

Mặt khác, việc sử dụng CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý. Các cơ sở y tế và cả người dân tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.

Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID, phấn đấu đạt kế hoạch giao của BHXH Việt Nam. Đồng thời, thực hiện nghiêm các nội dung Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG