Nhiều đề tài KHCN nghiên cứu phát triển dược liệu, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc và hướng đến thương mại hóa sản phẩm 

"Chọn mặt gửi vàng"

Theo đại diện Sở KH&CN, nguyên tắc lựa chọn các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách địa phương phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, đề xuất từ các ban ngành, từ các vấn đề cơ bản và cấp thiết về KHCN, kinh tế và xã hội, an ninh và quốc phòng của địa phương. Cũng theo chia sẻ này, từ năm 2021 đến 2023, UBND tỉnh phê duyệt 62 nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KHCN cấp tỉnh để triển khai trên địa bàn. Các nhiệm vụ KHCN triển khai chủ yếu tập trung vào ứng dụng chuyển giao công nghệ, tiếp thu các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trên mọi lĩnh vực.

Từ năm 2021 đến nay, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam, Công ty TNHH Nông nghiệp MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam, Công ty Công Thành, Hương Cát, Hoàng Gia, Eco-Seed, TCSOFT... đã chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ KHCN trên các lĩnh vực: khoa học nông nghiệp, kỹ thuật, xã hội và nhân văn, y dược và tự nhiên. Đơn cử gồm các dự án liên quan đến ứng dụng KHCN sản xuất cây sen, nấm, atiso đỏ, cá dìa Tam Giang... theo chuỗi giá trị; sản xuất đặc sản thương hiệu Nam Đông, sản phẩm Hoàng mai Huế, Thanh trà Huế; sản xuất chế biến các sản phẩm nghệ thuật Trúc Chỉ từ các phế phẩm nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế; nhân giống, trồng và sơ chế một số loài dược liệu như cà gai leo, sa nhân tím, sâm cau, sâm Bố Chính, ba kích tím, tràm gió, xuyên tâm liên... Ngoài ra, còn nhiều đề tài KHCN thuộc các lĩnh vực được giao cho các viện, trường, đơn vị chuyên môn chủ trì thực hiện.

Mỗi lĩnh vực nghiên cứu KHCN đều tập trung thực hiện công khai, minh bạch, đúng "sứ mệnh" được giao. Lĩnh vực khoa học nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHCN vào việc đổi mới, cải tiến các biện pháp canh tác gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Lĩnh vực khoa học xã hội hỗ trợ về phát triển giá trị tài sản trí tuệ các sản phẩm đặc thù, có tiềm năng phát triển của địa phương. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ về xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Lĩnh vực khoa học tự nhiên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, nâng cao năng lực dự báo, phòng, tránh thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Lĩnh vực khoa học y dược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân; phát triển, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc và hướng đến thương mại hóa sản phẩm...

Các nhiệm vụ KHCN đã được nghiệm thu và đề xuất các giải pháp chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng kết quả, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nhiệm vụ hoặc tiếp tục triển khai nhiệm vụ ở pha tiếp theo. Giai đoạn vừa qua, Sở KH&CN đã chuyển giao kết quả đến các ngành, địa phương liên quan và các nhiệm vụ KHCN được ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn đạt 65-70%.

Lồng ghép các chương trình, nhiệm vụ quốc gia

Hiện nay, có 13 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc các chương trình đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, có 7 nhiệm vụ thuộc dự án Chương trình Nông thôn miền núi liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình phát triển đàn dê, sản xuất hoa lily, hoa cúc, đồng tiền ở A Lưới, trồng sâm cau, gà thả đồi theo hướng bán thâm canh, trồng và chế biến chuối, ươm nuôi cá tầm... Có 3 nhiệm vụ thuộc Chương trình quỹ gen của Bộ KH&CN gồm: sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm nguồn gen cá nâu, đánh giá tiềm năng di truyền gen và phát triển bền vững sen, cam Nam Đông và bưởi đỏ Hương Hồ. Một nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia về bảo tồn, sử dụng bền vững các loài chim có giá trị khoa học và kinh tế vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam; 1 nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và 1 nhiệm vụ thuộc đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025".

Để tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của Trung ương, Sở KH&CN đã nỗ lực đăng ký và đề xuất các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia để triển khai trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ KHCN 16 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia bắt đầu năm 2023, 2024. Trong đó, 6 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, 5 nhiệm vụ cấp quốc gia và 2 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia. Ngoài ra có 1 nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 bắt đầu thực hiện từ năm 2024, 1 nhiệm vụ cấp quốc gia cấp thiết phát sinh tại địa phương về cây Hoàng mai Huế và 1 nhiệm vụ thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu KHCN phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu".

Các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, các chương trình trọng điểm, nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, kết hợp với các nhiệm vụ KHCN của tỉnh đã trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt cho vùng núi, ven biển, vùng đồng bào dân tộc ít người. Các chương trình, đề án quốc gia triển khai trên địa bàn đã giúp đa dạng hóa nguồn đầu tư cho KH&CN vốn còn khiêm tốn của tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG