Biến đổi khí hậu kéo theo sự gia tăng của bão, lũ và hạn hán. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN 

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, ông Tomoyuki Kimura, Tổng Giám đốc Bộ phận chiến lược, chính sách và quan hệ đối tác của ADB nhấn mạnh tình trạng thiếu kinh phí trầm trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và các thách thức toàn cầu khác.

Năm ngoái, ADB đã nâng các cam kết về biến đổi khí hậu lên 9,8 tỷ USD; trong số đó, 5,5 tỷ USD được phân bổ cho nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, và 4,3 tỷ USD cho nỗ lực thích ứng.

Được biết, ADB thường dành khoảng 80% các cam kết này để giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng tổ chức này đang chuyển mạnh các nguồn vốn sang việc thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan ở châu Á.

Tình trạng nóng lên của châu Á đang vượt xa mức trung bình toàn cầu. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ của khu vực này đã tăng với tốc độ gần gấp đôi trong giai đoạn 1991 - 2022, so với 3 thập kỷ trước đó. Chỉ riêng trong năm 2022, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người ở châu Á, gây thiệt hại kinh tế hơn 36 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề này, một báo cáo của Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lưu ý, nhu cầu tài chính cho biến đổi khí hậu sẽ ở mức 600 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030. Theo đó, một nhóm chuyên gia độc lập thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi ADB, Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển đa phương khác mở rộng tài trợ để chống biến đổi khí hậu.

Hồi tháng 9 năm ngoái, ADB đã đặt mục tiêu đảm bảo nguồn tài trợ mới trị giá 100 tỷ USD trong thập kỷ tới. Ngân hàng này sẽ dành 3 năm để đánh giá lại các hoạt động tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả cho vay. Ngân hàng cũng đang tập trung tài trợ cho các dự án biến đổi khí hậu với sự hợp tác của những tổ chức quốc tế khác và khu vực tư nhân. “ADB có công cụ để tham gia vào các dự án từ thượng nguồn đến hạ nguồn”, ông Tomoyuki Kimura cho biết.

Việc loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than thải ra CO2 sẽ là một thách thức lớn đối với châu Á. Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đang cần năng lượng có xu hướng dựa vào nhiên liệu hóa thạch giá rẻ và có sẵn rộng rãi. Theo một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP), các nhà máy đốt than chiếm 45% sản lượng điện ở Đông Nam Á và 60% ở Nam Á, so với mức trung bình toàn cầu là 36%.

Biến đổi khí hậu và sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan chặt chẽ đến nghèo và đói, 2 thách thức khác mà các tổ chức cho vay đa phương đang phải đối mặt. LHQ ước tính 49 triệu người có thể phải di dời do biến đổi khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương và 40 triệu người ở Nam Á vào năm 2050.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Nikkei Asia)