Thiết bị công nghệ tiên tiến trong sản xuất vỏ lon bia tại một đơn vị ở KCN Phú Bài giảm khí thải, ít ảnh hưởng đến môi trường |
Thu hút đầu tư xanh là xu thế chung trên thế giới. Nhắc đến lĩnh vực này phải nghĩ đến việc phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh; trong đó các hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Trên bình diện chiến lược chung của cả nước, để hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam phấn đấu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam có nền tảng tốt, tạo dư địa phát triển những năm tới theo hướng chuyển đổi xanh, tuần hoàn. Nhưng trên thực tế, áp lực về chuyển đổi xanh là rất lớn, trong khi các dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường vẫn còn chưa rõ ràng, khiến nhiều địa phương vẫn lúng túng trong thu hút đầu tư.
Không chỉ từ phía các nhà đầu tư hạ tầng KCN, các địa phương, nếu xét về xu hướng đầu tư, các dự án của thế giới thì việc phát triển bền vững ngày càng rất quan trọng. Các nước tiên tiến trên thế giới yêu cầu rất cao về chất lượng, quy chuẩn hàng hóa, từ đó các nhà đầu tư KCN cũng phải từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Các KCN đã đầu tư, đang vận hành, sẽ được các chủ đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất.
Thừa Thiên Huế cũng là địa phương phát triển KCN muộn hơn so với một số tỉnh, thành khác trong nước nhưng luôn đặt mục tiêu thu hút các DA có công nghệ cao, thân thiện với môi trường…
Gần đây qua các hội nghị, hội thảo liên quan đến phát triển công nghiệp, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc chuyển đổi công nghệ của DA và vấn đề bảo vệ môi trường. Định hướng của Thừa Thiên Huế là dịch chuyển sản xuất công nghiệp theo hướng chuyên sâu, sinh thái và quy hoạch vùng phù hợp với từng lĩnh vực; quan tâm thực hiện chủ trương giảm phát thải theo hướng chuyển đổi việc sử dụng năng lượng từ truyền thống sang năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu xanh và đẩy mạnh tái sử dụng, tái chế chất thải…
Sức hút đầu tư vào Thừa Thiên Huế hiện nay rất lớn. Như năm vừa qua, tình hình thu hút các DA đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả đáng khích lệ. Toàn tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 DA với tổng vốn đầu tư 141,7 triệu USD (tương đương 3.389 tỷ đồng). Đây là nền tảng mang lại triển vọng tốt trong sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa phương năm 2024. Các DA có ngành nghề phù hợp, có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng CNH, HĐH, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh...
Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng lưu ý các nhà đầu tư thực hiện các DA đúng tiến độ và những nội dung đã đăng ký. Trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đặc biệt quan tâm chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận và quyền lợi của người lao động…