Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh tổ chức hội thi duyên dáng sáng tạo cho nữ công nhân lao động

Không chỉ lương, thưởng

Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam (HBI) chi nhánh Huế, tại KCN Phú Bài, có khoảng 6.000 lao động, trong đó 79% là LĐN. Ngoài bảo đảm thực hiện các chế độ chính sách theo quy định dành cho toàn thể người lao động (NLĐ), công ty còn dành nhiều sự quan tâm cho LĐN.

Bà Ngô Sâm, đại diện Ban Nữ công Công đoàn Công ty HBI cho biết, công đoàn cơ sở đã tham mưu với ban lãnh đạo công ty thực hiện tốt các chế độ có liên quan đến thai sản, như tạo điều kiện cho nữ công nhân có thai thực hiện khám thai đủ 5 lần trong thời kỳ mang thai; sắp xếp công việc nhẹ hơn; giảm một giờ làm việc trong ngày. Công ty bố trí 3 phòng vắt trữ sữa mẹ hiện đại, đạt chuẩn tại các khu vực khác nhau để các bà mẹ tiện chăm sóc con bằng sữa mẹ. Có nhà để xe riêng dành cho phụ nữ có thai và đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Các dịp lễ, chị em được tham gia các hội thi về nữ công gia chánh (nấu ăn, cắm hoa, làm bánh), hội thi Miss HBI… Hiện công ty và công đoàn HBI đang chuẩn bị tổ chức cuộc thi “Vẻ đẹp HBI” chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sắp tới.

Công ty TNHH Hanex Huế, 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, việc xây dựng các chính sách tiền lương và đãi ngộ hợp lý cũng đã góp phần chăm lo tốt hơn đời sống LĐN. Công ty ưu tiên LĐN khi bổ nhiệm các vị trí quản lý quan trọng. Riêng LĐN đang mang thai và nuôi con nhỏ được quan tâm thực hiện cao hơn luật định về thời gian làm việc và chế độ phúc lợi. Các dịp lễ, tết, LĐN là đối tượng được ưu tiên chăm sóc.

Bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, hiện lực lượng LĐN chiếm hơn 72% trên tổng số lao động trong các DN có tổ chức công đoàn cơ sở. Ngoài lương, thưởng chung, các công đoàn cơ sở còn chủ động phối hợp với chủ DN tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho LĐN. Riêng CĐKKT,CN tỉnh tổ chức các hội thi “Nữ công nhân, viên chức lao động duyên dáng, sáng tạo”; sinh hoạt các chuyên đề trang bị kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc; khám sức khỏe miễn phí. Đối với những LĐN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được ưu tiên xây dựng “Mái ấm công đoàn”, “Điều ước đoàn viên”.

Trang bị kiến thức

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Sức khỏe sinh sản (SKSS) và Pháp luật lao động của Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ Bảo hộ Kanglongda Việt Nam tại Huế được diễn ra theo hình thức hỏi đáp trực tiếp, người có nhiều câu hỏi và nhiều câu trả lời đúng sẽ được tặng quà khích lệ. Nhờ sự tương tác sôi nổi, các thành viên nhanh chóng quên mỏi mệt sau ca làm việc. Để tạo không khí vui nhộn, ban chủ nhiệm CLB đã có những trò chơi khởi động cùng những phần quà ý nghĩa. Tiếp đó, các thành viên được truyền thông về SKSS, hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn và các kiến thức về pháp luật lao động…

Với câu hỏi “Làm thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh”, chị Trần Thị Ngọc Gấm được chuyên gia cung cấp thêm nhiều kiến thức về thai sản. “Tôi mang thai lần đầu, lại bị nghén nặng, sợ ảnh hưởng đến con. Qua buổi sinh hoạt, tôi đã biết thêm nhiều kiến thức để chăm sóc sức khỏe khi bị nghén, biết chăm sóc bản thân đúng cách theo từng giai đoạn thai kỳ. Tôi cũng nắm rõ hơn về quyền lợi của LĐN trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ để áp dụng”, chị Gấm chia sẻ.

Với đặc thù làm việc theo ca, LĐN khó tiếp cận để trang bị kỹ những kiến thức, chế độ chính sách pháp luật liên quan đến công nhân lao động cũng như các hiểu biết về SKSS - KHHGĐ. Để linh hoạt, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn công đoàn cơ sở thành lập CLB SKSS và Pháp luật lao động trong các DN. Với hình thức này, tổ chức công đoàn các DN sẽ chủ động, linh hoạt được thời gian trong tổ chức sinh hoạt, giúp người lao động dễ dàng tham gia. Năm 2023, các cấp công đoàn thành lập được 14 CLB SKSS và Pháp luật lao động tại các DN.

Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, việc hình thành các CLB SKSS và Pháp luật đã góp phần đáp ứng những nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho LĐN. Các thành viên trong CLB trở thành lực lượng tuyên truyền viên tích cực trong việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng nghiệp. Qua các buổi tư vấn, Công đoàn và DN hiểu rõ hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NLĐ, từ đó phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác chăm lo. Các chính sách đãi ngộ LĐN tại DN cũng được hình thành thông qua hoạt động của các CLB này.

Bà Trần Thị Minh Nguyệt cho biết, LĐLĐ tỉnh đang chỉ đạo công đoàn các cấp tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động BNCQC, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với LĐN, duy trì, phát triển các mô hình hỗ trợ LĐN hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN