Nghề làm hương trầm mang đến thu nhập cho lao động là người khiếm thị, người khuyết tật tại Phong Điền |
Không may bị suy giảm thị lực nghiêm trọng sau tai nạn, anh Ngọc Duy (Phong Bình, Phong Điền) đã từng có khoảng thời gian khó khăn để tìm phương cách mưu sinh. Từ khi tham gia sinh hoạt tại HNM, anh Duy không chỉ được nâng đỡ về tinh thần, xóa đi mặc cảm, tự ti mà còn được các cấp hội tạo điều kiện để học nghề và vay vốn, từ đó phát triển mô hình kinh tế phù hợp với tình trạng thị lực.
Anh chia sẻ: “Sau khi tham gia sinh hoạt tại hội, tôi đã học được nhiều nghề khác nhau từ massage chăm sóc phục hồi sức khỏe cho đến lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, lớp sản xuất hương. Không chỉ tìm thấy nghề vừa phù hợp với tình trạng sức khỏe, vừa duy trì được niềm đam mê với nông nghiệp, thông qua sự đồng hành của hội, tôi lại được tiếp sức 30 triệu đồng với nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ quốc gia về việc làm. Nhờ đó, tôi càng vững tin và nỗ lực hơn nữa”.
Có nguồn lực, sẵn đam mê, dù thị lực chỉ còn 2/10 nhưng với kiến thức từ các lớp dạy nghề, kinh nghiệm tích lũy từ thực tế và thông tin trên mạng, anh đã chọn hình thức chăn nuôi bò và làm vườn theo hướng xoay vòng. Với hình thức chăn nuôi này, đàn bò sẽ có nguồn cỏ dồi dào, cây trồng cũng có nguồn phân hữu cơ giàu dưỡng chất. Nhờ vậy, anh vừa tiết kiệm được chi phí trồng trọt, chăn nuôi, vừa đảm bảo chất lượng nông sản khi thu hoạch.
Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, anh Duy còn mở dịch vụ massage chăm sóc phục hồi sức khỏe tại nhà. Tay nghề tốt và giá cả phải chăng, dịch vụ của anh được nhiều khách hàng đánh giá cao và lựa chọn. Anh bộc bạch: “Tôi rất cảm ơn sự đồng hành và quan tâm của các cấp HNM. Nhờ đa dạng nguồn thu và tìm thấy công việc phù hợp với bản thân, thu nhập của tôi ngày càng ổn định, đời sống cải thiện hơn rất nhiều”.
Hiện nay, HNM huyện Phong Điền đang quản lý số vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Hội là 280 triệu đồng. Nguồn vốn trên đang được 12 hộ gia đình sử dụng để mua thêm vật tư, phát triển các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh nhỏ lẻ.
Thêm vào đó, 6 hộ gia đình khác cũng đang được hưởng lợi từ nguồn vốn vay tín dụng không lãi của CLB vòng tay Nhân Ái. Ông Nguyễn Nhân Đức, Chủ tịch HNM huyện Phong Điền cho biết: “Hội đã đứng ra tín chấp nguồn vốn vay ưu đãi, qua đó tạo động lực để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên từng bước phát triển kinh tế. Càng tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng, cơ hội để hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từ đó hòa nhập cộng đồng ngày càng cao hơn”.
Để đồng vốn được sử dụng hiệu quả, ngoài các lớp sản xuất hương trầm, massage chăm sóc phục hồi sức khỏe, HNM huyện Phong Điền đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc.
“Nhờ được học nghề và vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, HTX Tình thương trực thuộc Hội đã chuẩn bị nguyên vật liệu đầy đủ để sản xuất các mặt hàng truyền thống, từ đó tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động là người mù và người khuyết tật”, đại diện HNM huyện Phong Điền thông tin.
Cùng với công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và hỗ trợ vốn vay, riêng năm 2023, HNM huyện Phong Điền đã vận động nhiều nguồn lực để trao hơn 4.000 phần quà đến các hội viên và trẻ em mù, khiếm thị với tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Nhân Đức cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng vào công tác xây dựng cơ sở massage xoa bóp phục hồi sức khỏe, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho hội viên mù, khiếm thị”.