Nhiều phụ nữ Trung Quốc đang hướng tới một tương lại "không kết hôn, không sinh con". Ảnh minh hoạ: Lonely Planet |
“Bất kể bạn cực kỳ thành công hay chỉ bình thường, phụ nữ vẫn là người phải hy sinh nhiều nhất cho cuộc sống gia đình… Nhiều người kết hôn ở thế hệ trước, đặc biệt là phụ nữ, đã hy sinh bản thân và sự phát triển sự nghiệp của mình mà không có được cuộc sống hạnh phúc như đã được hứa hẹn. Sống tốt cuộc sống của chính mình ngày nay đã đủ khó khăn rồi”, nhà hoạt động nữ quyền 28 tuổi này chia sẻ.
Trong một cuộc họp năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “nuôi dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con”, khi dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ 2 liên tiếp và số ca sinh mới đạt mức thấp lịch sử.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hôm 5/3, Thủ tướng Lý Cường cũng cam kết sẽ “hướng tới một xã hội thân thiện với việc sinh con” và tăng cường các dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Trung Quốc coi gia đình hạt nhân (bố mẹ và con cái cùng chung sống trong một mái nhà) là nền tảng của sự ổn định xã hội. Nhưng ngày càng nhiều phụ nữ có học thức ủng hộ “chủ nghĩa độc thân” khi phải đối mặt với tình trạng bất an chưa từng có trong bối cảnh thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục và suy thoái kinh tế.
Theo dữ liệu chính thức, số người độc thân trên 15 tuổi của Trung Quốc đạt kỷ lục 239 triệu người vào năm 2021. Sau khi đạt mức thấp lịch sử vào năm 2022, số lượng đăng ký kết hôn đã tăng nhẹ vào năm ngoái. Một cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 2021 với khoảng 2.900 thanh niên thành thị chưa kết hôn cho thấy 44% phụ nữ không có ý định kết hôn.
Tuy nhiên, hôn nhân vẫn được coi là cột mốc quan trọng của tuổi trưởng thành ở Trung Quốc và tỷ lệ người trưởng thành chưa bao giờ kết hôn vẫn ở mức thấp. Nhưng trong một dấu hiệu khác, nhiều người Trung Quốc đang trì hoãn việc kết hôn, với độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu tăng lên 28,67 tuổi vào năm 2020 từ mức 24,89 tuổi vào năm 2010.
Tại Thượng Hải, con số này lên tới 30,6 tuổi đối với nam và 29,2 tuổi đối với nữ vào năm ngoái, thống kê của thành phố này cho thấy.
Tìm kiếm vị thế trong xã hội
Sau nhiều thập kỷ trình độ học vấn và sự tham gia lực lượng lao động của phụ nữ được cải thiện, phụ nữ Trung Quốc đang ngày càng có “tiếng nói” đọc lập hơn.
Lối sống độc thân dài hạn đang dần trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc, dẫn tới sự bùng nổ các cộng đồng trực tuyến gồm hầu hết là phụ nữ độc thân. Những bài đăng có hashtag “Không kết hôn, không sinh con” của những người có ảnh hưởng với phụ nữ thường ở độ tuổi 30 hoặc 40 trên Xiaohongshu, Instagram của Trung Quốc, thường xuyên nhận được hàng nghìn lượt thích.
“Không kết hôn hay sinh con là quyết định mà tôi đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi không nợ ai một lời xin lỗi, bố mẹ tôi đã chấp nhận điều đó”. Liao Yueyi, một sinh viên mới tốt nghiệp 24 tuổi ở thành phố Nam Ninh gần đây đã chia sẻ trên WeChat:
Thay vào đó, cô quyết định theo lối sống làm việc vừa đủ để trang trải cuộc sống, và tiết kiệm tiền cho những chuyến du lịch trong tương lai.
“Tôi nghĩ hẹn hò hay sống thử đều ổn, nhưng con cái là một khoản đầu tư tài sản khổng lồ”, cô nói và cho biết thêm rằng cô đã thảo luận về việc thuê nhà với một số bạn nữ khi họ nghỉ hưu.
Bình đẳng giới cũng đóng một vai trò quan trọng: Tất cả phụ nữ đều cho biết rất khó tìm được một người đàn ông coi trọng quyền tự chủ của họ và tin tưởng vào sự phân công công bằng trong công việc gia đình.
Ngoài ra, theo dữ liệu chính thức, chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ đã khiến số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới 32,3 triệu người vào năm 2022.
Xiaoling Shu, Giáo sư xã hội học tại Đại học California, Davis, cho biết những phụ nữ có trình độ đại học đã trở thành những người có niềm tin mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ quyền lợi và địa vị của họ trong xã hội”. Và mặc dù một số nhà phân tích tin rằng số người độc thân suốt đời sẽ không tăng theo cấp số nhân trong tương lai, nhưng việc trì hoãn hôn nhân và tỷ lệ sinh giảm có thể sẽ là mối đe dọa đối với các mục tiêu nhân khẩu học của Trung Quốc.
“Về lâu dài, sự nhiệt tình của phụ nữ đối với hôn nhân và sinh con sẽ chỉ tiếp tục giảm… Tôi cho rằng đây là cuộc khủng hoảng dài hạn quan trọng nhất mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt”, nhà hoạt động nữ quyền Lü Pin nhận định.