Bộ phim “Đào, Phở và Piano” do Nhà nước đặt hàng được công chúng hưởng ứng. Ảnh chụp từ postcard |
Mới đây, khi bộ phim “Đào, Phở và Piano” do Nhà nước đặt hàng có mặt tại Huế, Ban Giám hiệu Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã quyết định trích tiền túi mua vé phim "Đào, Phở và Piano" tặng cho toàn bộ sinh viên của trường (theo đăng ký).
Theo ông Nguyễn Văn Mãi, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, bộ phim “Đào, Phở và Piano” mang tính giáo dục sâu sắc, đặc biệt là cho thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và thể hiện lòng biết ơn các thế hệ đi trước đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Trong khi Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế là nơi đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Sinh viên ở trường không chỉ được trang bị những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn cần được trang bị những kiến thức khác, đặc biệt là lịch sử của dân tộc. Nên việc mua vé cho sinh viên đi xem phim cũng là một phương thức giáo dục lịch sử tốt cho các em.
“Chúng tôi mong muốn rằng, qua bộ phim này, các em sẽ hiểu biết thêm về lịch sử cũng như trân quý sự hy sinh và công lao của cha ông ta ngày xưa để bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, các em biết cố gắng hơn trong học tập, rèn luyện để trở thành một công dân tốt sau này”, ông Mãi nói.
Việc Ban Giám hiệu Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế bỏ tiền túi để mua vé xem phim “Đào, Phở và Piano” tặng cho sinh viên của mình nhằm góp phần giáo dục nhận thức lịch sử là một hành động rất hay và có ý nghĩa về mặt giáo dục cho sinh viên.
Khuyến khích sinh viên đi xem phim “Đào, Phở và Piano” để giáo dục lịch sử cũng là một cách đầu tư cho văn hóa. Và sự đầu tư này dù với hình thức nào cũng không thừa, không lỗ và có thể không cho kết quả ngay.
Bởi như phát biểu của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại trụ sở Trung ương Đảng, chiều 29/2: “Đầu tư văn hóa không phải chúng ta trồng khoai tây, khoai lang mà trồng tháng 1 đến tháng 4 có thể dỡ được khoai, mà phải mất hàng trăm năm".
Tại cuộc gặp nói trên, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn dẫn lại lời nhà thơ Hữu Thỉnh, khi còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từng phát biểu trên Quốc hội: “Nếu chúng ta tiết kiệm hay bớt một đồng chi cho văn hóa thì phải bỏ ra 1.000 đồng xây nhà tù".
Ông Thiều cho rằng, câu nói này không mang tinh thần thi ca mà là chân lý, chứa đựng tầm quan trọng của văn hóa. Để nói rằng đầu tư cho văn hóa là điều vô cùng cần thiết, là không bao giờ thừa dù với bất kỳ hình thức nào!