Phụ nữ Huế duyên dáng trong tà áo dài |
Tình yêu đối với áo dài Huế
Không mua được vé về quê dịp Tết nên phải ra Tết, Lily Nguyễn, quê Phú Diên, Phú Vang (hiện ở Canada) mới có mặt ở Việt Nam. Dù đón Tết xa nhà, nhưng hương vị Tết Việt từ bánh chưng, dưa hành... chị đều có đủ. Chị cũng không quên sắm cho mình những bộ áo dài duyên dáng để xúng xính cùng bạn trong những ngày đón năm mới.
“Mặc dù trên mạng bán áo dài may sẵn rất nhiều, nhưng tôi vẫn mê áo dài Huế, nên tôi đã gửi số đo về rồi nhờ bạn đi may và gửi qua cho mình. Thường xuyên lên mạng, thấy các chị, mẹ và các cô, dì ở quê mang những chiếc áo dài truyền thống được may ở quê, tôi thấy rất thích. Khoác lên mình chiếc áo dài Huế, tôi thấy mình thật duyên dáng và đúng chuẩn “o gái Huế”, nói rồi chị Lily không quên khoe thêm hai bộ áo dài mình vừa mới may khi vừa trở về quê. “Còn hai bộ áo dài này tôi may thêm để đi chụp hình ở các địa điểm nổi tiếng của Huế và đi lễ chùa đầu năm”, chị Lily chia sẻ.
Khi cùng gia đình về Huế nghỉ Tết, chị Nguyễn Thị Năm (sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh) cũng đã lựa chọn cho mình những bộ áo dài để diện trong những ngày quan trọng.
“Về cận Tết nên tôi đã nhờ chị dâu đặt may giúp hai bộ áo dài. Mặc dù may theo số đo áng chừng, nhưng khi thử lại vừa in. Đúng là thợ may áo dài Huế may rất đẹp, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, dáng áo thì đúng là khỏi phải chê. Đăng những bức hình mang áo dài đi lễ chùa, đi chơi cùng gia đình lên các trang mạng xã hội, bạn bè ai cũng khen và có nhiều người bạn ở xa nhờ giới thiệu chỗ may và nhờ đặt may giùm. Là người con sống xa quê, khi thấy áo dài Huế được ưa thích, tôi cũng thấy tự hào vô cùng”, chị Năm bộc bạch.
Có lẽ sự yêu mến áo dài Huế của những phụ nữ sống xa quê như chị Năm, chị Lily được vun đắp từ hình ảnh những người phụ nữ thân thương, những chị em xóm giềng của họ trên các trang mạng. Chính những hình ảnh phụ nữ Huế duyên dáng cùng với những chiếc áo dài trên các trang mạng xã hội, trong các hội nhóm... đã góp phần quảng bá cho áo dài Huế, cho hình ảnh rất riêng của phụ nữ Huế.
Là giáo viên tiểu học, thường xuyên mang áo dài khi đứng lớp, nhưng có những dịp quan trọng, hay đi chụp hình cùng bạn bè, chị Huỳnh Thị Thu Trang (giáo viên Trường tiểu học Phú Bình, TP. Huế) vẫn lựa chọn áo dài.
“Tôi có một niềm yêu thích rất riêng đối với áo dài Huế. Tất cả áo dài trong tủ quần áo của mình đều là tôi đi may. Bởi những chiếc áo dài do thợ Huế may có những nét độc đáo, tôn lên được vóc dáng của người mang. Trước đây, một số nghề như giáo viên, ngân hàng... mới mang áo dài nhiều; nhưng vài năm trở lại đây, tôi thấy phong trào phụ nữ Huế mang áo dài vào những dịp lễ, ngày quan trọng rất phổ biến. Chẳng có quy định nào cụ thể, nhưng có lẽ trong tiềm thức của mỗi người phụ nữ Huế thì áo dài chính là biểu tượng, là tôn vinh, tạo nên nét đẹp cho những dịp đặc biệt”, chị Thu Trang chia sẻ.
Áo dài sẻ chia yêu thương
Áo dài Huế không rẻ, cũng chẳng đắt. Nhưng không phải chị em nào cũng có đủ điều kiện để sắm cho mình một hay vài bộ áo dài để thay đổi khi tham gia vào các dịp lễ, nhất là những ngày của phụ nữ. Chính vì thế, những “Tủ áo dài yêu thương” ai cần đến lấy, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động đã thực sự mang ý nghĩa chia sẻ yêu thương đến với các chị em phụ nữ khó khăn.
Những chiếc áo dài không hề cũ của chị em khá giả hơn đã được giặt sạch sẽ, thơm tho, treo ngay ngắn trong những chiếc tủ yêu thương ở các hội LHPN địa phương để dành tặng cho những hội viên khó khăn. Hàng chục ngàn bộ áo dài như thế đã đến tay hội viên khó khăn. Để đến những ngày lễ, tất cả các hội viên đều có thể khoác lên mình những chiếc áo dài duyên dáng.
Chị Võ Thị Ánh, hội viên phụ nữ phường Thủy Vân, TP. Huế chia sẻ: Quanh năm bận rộn nên mấy khi mang áo dài đâu mà may. Nhưng từ khi tích cực tham gia hoạt động, phong trào của Hội LHPN phường, thấy chị em xúng xính trong những tà áo dài, tôi cũng thành ra “mê” áo dài. Mà đã “mê” thì không chỉ tham gia phong trào hội mới mang, mà có dịp gì quan trọng như cưới, hỏi... tôi đều mang áo dài.
Áo dài không chỉ là nét đặc trưng, là lễ phục của của các cấp hội phụ nữ, mà chính nhờ sự lan tỏa, quảng bá của mỗi hội viên phụ nữ mà áo dài ngày càng trở nên gần gũi, được sử dụng nhiều trong đời sống, trong các hoạt động hàng ngày của chị em phụ nữ. Những tà áo dài màu xanh tuổi trẻ của đoàn viên, thanh niên, hay những tà áo dài bằng thổ cẩm cũng phần nào nói lên tình yêu đối những tà áo dài của mọi lứa tuổi.
Bà Hồ Thị Tanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới cho biết: Ngoài áo dài đồng phục Hội LHPN, áo dài truyền thống bình thường, hội viên phụ nữ Quảng Nhâm chúng tôi còn may những bộ áo dài bằng thổ cẩm, nét văn hóa riêng của người đồng bào. Là hội viên phụ nữ, khoác trên mình những bộ áo dài thổ cẩm, đó không chỉ là sự sáng tạo mà còn là một cách quảng bá cho những sản phẩm từ dệt zèng, để dệt zèng và những sản phẩm của nó đến gần hơn với mọi người.
Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Không chỉ những tuần lễ áo dài, mà bằng nhiều hình thức, hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh đã góp phần quảng bá, lan tỏa nét đẹp của những tà áo dài truyền thống Huế. Để hình ảnh phụ nữ Thừa Thiên Huế cùng áo dài đã trở thành nét đẹp của văn hóa Huế, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội LHPN các cấp triển khai nhiều hình thức để góp phần vận động chị em phụ nữ sử dụng áo dài, coi áo dài không chỉ là một lễ phục mà là một trang phục gắn với đời sống như tặng, chia sẻ áo dài cho hội viên khó khăn...
Không chỉ riêng tuần lễ áo dài, mà chính những những khoảnh khắc đẹp của cán bộ, hội viên trong trang phục áo dài chụp tại các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch ở tỉnh đã góp phần quảng bá hình ảnh áo dài và cả những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế đến với bạn bè cả trong và ngoài nước. Mỗi khoảnh khắc về người phụ nữ Thừa Thiên Huế trong tà áo dài không chỉ vinh danh vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống Huế mà còn là tôn vinh nét đẹp của sự duyên dáng, trẻ trung, tràn đầy sức sống, sự cống hiến của phụ nữ Thừa Thiên Huế gắn với tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương.