Thương Binh Nguyễn Sáo bên mô hình nuôi cá trê phi của gia đình

 

Sinh ra lần thứ hai

“Thương binh Nguyễn Sáo là người sống đầy trách nhiệm với cộng đồng làng, xã. Ông cũng là một con người điển hình vượt qua mọi hoàn cảnh làm giàu cho gia đình và xã hội, xứng đáng để con cháu địa phương học tập noi theo”. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng (Phú Lộc) bày tỏ.
Tôi gặp ông Sáo qua chỉ dẫn của cán bộ địa phương vào chiều cuối tháng 5 (âm lịch) mới đây. Vừa đến đầu ngõ là lúc ông Sáo vừa thăm hồ tôm về.
Năm 1982, ông Sáo tròn tuổi 20 với nhiều hoài vọng. Nghe lệnh triệu tập vào quân đội, ông lập tức lên đường. Từ Huế ra thị xã Đông Hà (Quảng Trị) ngủ lại một đêm, hôm sau đơn vị lên cửa khẩu Lao Bảo sang Lào nhận nhiệm vụ. Bấy giờ thế lực “phỉ” Vàng Pao hoạt động toàn tuyến biên giới Lào - Thái. Chúng tăng cường phục kích, khống chế và đe dọa cơ sở chính quyền nước bạn. Nhiều xã, buôn, bản không dám hoạt động công khai. Bước xuống xe, đơn vị ông về Sê Nô, tỉnh Savanakhẹt nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở “ba cùng” với nhân dân địa phương. Ông Sáo cười hiền, khi ở lâu, tình quân dân những ngày sống ở nước bạn thấm đượm.
Ngày định mệnh thay đổi con người ông đúng vào trận khống chế chân địch tại vùng Sê Nô trước dịp kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam năm 1984. Hôm ấy, ông đang làm nhiệm vụ thì địch phục kích. Một mảnh đạn M79 găm thẳng vào trán, máu ra đầm đìa làm ông ngất lịm. Đồng đội nghĩ ông không qua khỏi, nhưng khi chuyển đến bệnh viện Savanakhẹt được bác sĩ chăm sóc, cứu chữa ông đã qua tình trạng “thập tử nhất sinh”. Ông nói, dịp đó bà con Việt kiều thay người thân đùm bọc che chở cưu mang chăm sóc ông và ông như được sinh ra lần thứ 2 trên đất Lào. Sau khi ở bệnh viện Savanakhet, đơn vị tiếp tục đưa ông lên Viêng Chăn dưỡng thương rồi chuyển về bệnh viện Quân y ở Thủ đô Hà Nội. Do bị thương nặng, các bác sĩ phải phẫu thuật vùng mặt, trán cho ông suốt 3 ngày. Khi ra viện ông được lệnh giải ngũ trở về quê vào cuối năm 1985.
Vượt qua nỗi đau
Trở về từ chiến trường, chàng trai Nguyễn Sáo xếp vào diện thương binh 1/4, với 91% thương tật trên người, mắt trái hỏng hoàn toàn. Hễ trái gió trở trời, khuôn mặt ông nhức buốt. Ông nhớ lại: “Hồi đó, không chỉ người thân, gia đình lo mà tui cũng lo. Một quả đạn đã làm tui vừa xấu lại thương tật nên chuyện lấy vợ khó như lên trời”. Không ngờ, trời se duyên cho ông đến với chị Huỳnh Thị Huê, cô gái nết na, siêng năng ở cùng làng. Khi nên duyên vợ chồng vào năm 1986, ông lại gặp thử thách mới - cuộc sống cơm áo gạo tiền. Được anh chị trợ giúp, vợ chồng ông nuôi chí bám đất, bám đồng theo nghề nuôi tôm, nuôi cá bên đầm Cầu Hai. Hễ đau là dừng, nhưng lúc bình thường ông lội đầm làm chuôm, làm sáo nuôi tôm. Cuộc sống gia đình tạm ổn, vợ chồng ông có động lực tính chuyện sinh con. Đứa con trai đầu của ông, Nguyễn Văn Phốt ra đời vào năm 1988 là một niềm vui để ông tính tiếp chuyện tương lai.
Phong trào nuôi tôm bên đầm Pầu Hai phát triển, ông cất công tìm hiểu kỹ thuật và tích cóp vốn liếng nuôi 5 ao với diện tích gần 1 ha. Liên tiếp mấy vụ liền ông thắng lợi, bình quân mỗi năm, ông thu 100-200 triệu đồng và cái danh ông Sáo, thương binh ở Vinh Hưng làm giàu từ nuôi tôm sú nổi như cồn. Có được lưng vốn, năm 2000, ông xây ngôi nhà xếp vào diện nhất nhì của xã, rồi bàn với vợ cải tạo vườn nuôi gà, nuôi vịt, trồng các loại cây ăn quả. Hồi đó, công việc đan xen làm ông bận bịu tối ngày. Dẫu thế, ông vẫn dành thời gian làm công tác xã hội, trao đổi chia sẻ với bà con ngày công, con giống, đồng vốn trong phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2006, ông vận động gia đình hiến hơn 5.000m2 đất vườn với giá trị tiền tỷ để mở rộng Trường tiểu học Vinh Hưng. “Đời mình đã ít chữ nên làm được gì tốt cho con em địa phương là tui mãn nguyện lắm. Cuộc đời không phải lúc nào cũng tính toán thiệt hơn” - ông thực lòng.
Từ năm 2010 trở lại đây, việc nuôi tôm rơi vào thế khó, ông chuyển sang nuôi tôm xen cua, cá và giao hẳn cho anh con trai đầu. Hết nuôi tôm, ông lại tìm hiểu nuôi cá trê phi bằng bể xi măng. Từ thí điểm ban đầu, đến thời điểm này trong vườn nhà ông dành hẳn một khu đất gần 200m2, xây 20 bể. Bình quân mỗi năm xuất hai lứa, khoảng 20 tấn cá; trừ chi phí thức ăn, con giống... ông thu lãi không dưới 50 triệu đồng. Ngoài vịt, gà, lợn... hiện ông đang có kế hoạch “chuyển hướng” nuôi cá trê phi vì đầu ra đang vào thế khó.
“Đời tôi có được như hôm nay là tốt rồi. Tiền bạc, của cải, tôi không nặng lắm, chỉ mong cuộc sống vui khỏe, nghĩa tình với bà con, cộng đồng làng, xã” - ông nói khi tôi chào ông ra ngõ và trong suốt quảng đường về tôi vẫn lắng mãi lời tâm sự, chia sẻ của ông.
Minh Văn