Đề án có phạm vi, ranh giới lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 2 quận: Quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương 

Phát triển đô thị bền vững, thế mạnh đặc trưng

Trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án đề nghị công nhân khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, xuất phát từ yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay và thực hiên Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc mở rộng không gian đô thị và thành lập các quận, phường thuộc khu vực nội thành là quan trọng để phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng bền vững trên cơ sở thế mạnh đặc trưng “văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

Viêc lập Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I là cần thiết. Đề án có phạm vi, ranh giới lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 2 quận: Quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương (tách ra từ TP. Huế hiện nay).

Các đô thị trực thuộc tỉnh: TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà và khu vực dự kiến thành lập TX. Phong Điền. Các huyện ngoại thành: Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang và khu vực dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.

Trên cơ sở thực trạng và sau khi rà soát, tổng hợp, đánh giá, đối chiếu với 5 tiêu chí quy định tại Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 về phân loại đô thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến Tỉnh ủy về đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương với tổng số điểm đạt khoảng 84,92 điểm/100 điểm có khả thi hay không? Có cần đánh giá lại đối với tiêu chí nào hay không?

Trong tổng số 63 tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 theo 5 tiêu chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định, có 28 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa; 7 tiêu chuẩn chưa đạt điểm; 28 tiêu chuẩn đạt điểm theo quy định (trong đó, có 8 tiêu chuẩn áp dụng đô thị có yếu tố đặc thù).

Đối với 28 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Tỉnh ủy tập trung thảo luận đánh giá như vậy đã khách quan, sát đúng với khung điểm theo quy định yêu cầu đạt từ 75 - 100 điểm thực tế hay chưa, có tiêu chuẩn nào không khả thi, cần phải rà soát, đánh giá lại hay không?

Với 7 tiêu chuẩn chưa đạt điểm theo quy định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Tỉnh ủy tập trung đánh giá, phân tích những nguyên nhân, lý do chưa đạt, đề ra các giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới, bao gồm: Tỷ lệ tăng dân số; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị; mật độ đường giao thông đô thị; thiết kế theo mô hình xanh…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Tỉnh ủy tập trung nghiên cứu các quy định để xem xét, đánh giá lại khách quan 8 tiêu chuẩn đã phù hợp với các quy định về yếu tố đặc thù hay chưa? có cần bổ sung, đưa ra các tiêu chuẩn nào hay không?

Cụ thể, các tiêu chuẩn về thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất; tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn so với cả nước; mật độ dân số toàn đô thị…

Khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tham dự hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; bảo đảm các điều kiện để trình Bộ Xây dựng xem xét thẩm định, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận.

Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng bền vững trên cơ sở thế mạnh đặc trưng “văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” 

Khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi lấy ý kiến Nhân dân để tiếp tục các bước tiếp theo nhằm bảo đảm tiến độ kế hoạch. 

Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp thu, hoàn chỉnh quy chế trình Tỉnh ủy ban hành. Từ đó, các Tỉnh ủy viên, các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế; tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2024; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; bám sát chủ trương, hướng dẫn của cấp trên, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức và chuẩn bị mọi mặt cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, thời gian của nhiệm kỳ 2020 - 2025 không còn nhiều, vẫn còn nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, phấn đấu mới có thể đạt được.

Bài, ảnh: PHONG ANH