Tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược

Còn thiếu thông tin về dinh dưỡng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới hiện có khoảng 462 triệu người bị thiếu cân, gây ra nhiều bệnh tật và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngược lại, có đến khoảng 1,9 tỷ người bị thừa cân, béo phì, gây ra nhiều nguy cơ về tim mạch, đài tháo đường, ung thư... Đây là gánh nặng kép về dinh dưỡng có tác động nghiệm trọng, lâu dài với sức khỏe cá nhân và công cộng.

Ở trong nước, khi đời sống phát triển, ăn uống chuyển sang một giai đoạn mới. Đó là từ ăn no, dần chuyển sang ăn ngon và đến hiện tại là ăn sao cho an toàn, đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm mà còn quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất và bảo quản của thực phẩm.

Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế thông tin, một thực tế được chỉ ra hiện nay là thừa chất dinh dưỡng, làm cho quá trình phát triển sớm hơn. Có thể thấy, tuổi dậy thì của trẻ em sớm hơn trước, nhất là trẻ em gái. Nếu như trước đây các em bước qua tuổi 11 mới bắt đầu có biểu hiện đầu tiên của tuổi dậy thì, thì nay rút ngắn lại, khoảng 8 - 9 tuổi nhiều em đã bắt đầu có biểu hiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này; trong đó, nguyên nhân cơ bản là sử dụng thực phẩm không đúng cách, ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, dẫn đến dư thừa dinh dưỡng, kích thích phát triển sớm hơn.

Theo TS.BS. Hoàng Thị Bạch Yến, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh  viện Trường đại học Y - Dược Huế, tại bệnh viện, khi bệnh nhân khi nhập viện, hầu hết bệnh nhân và người nhà đều hỏi rằng, với tình hình bệnh của mình, hay người thân thì cần ăn uống gì cho tốt, đảm bảo sức khỏe để nhanh chóng lành bệnh. Ngay cả những người có kiến thức, dường như cũng rất mơ hồ về thông tin dinh dưỡng.

Điều đó để nói lên sự cấp thiết của những người am hiểu về dinh dưỡng để tư vấn cho xã hội. Trong khi đó, những bác sĩ, cử nhân về dinh dưỡng hiện nay rất ít, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở dưỡng lão… là những nơi đòi hỏi có những con người am hiểu về dinh dưỡng cũng rất hạn chế. Minh chứng cụ thể nhất là tại các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú. Đây là nơi mà thế hệ tương lai sử dụng ăn uống, nên cần đảm bảo những bữa ăn dinh dưỡng, ăn đủ chất, đủ số lượng, nhưng hiện nay thiếu các cử nhân dinh dưỡng tham gia lên thực đơn, giám sát thực đơn, giám sát bếp...

Nhiều cơ hội việc làm

PGS.TS. Hoàng Bùi Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế cho biết, trước những yêu cầu mới của các cơ sở y tế và nhu cầu của xã hội về dinh dưỡng, năm nay trường bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân dinh dưỡng. Khóa tuyển sinh đầu tiên nhà trường tuyển 50 chỉ tiêu.

Theo lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế, các cử nhân sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm rất rộng mở. Đầu tiên là trong các cơ sở y tế. Theo quy định, bệnh viện quy mô 100 giường phải có một cử nhân dinh dưỡng. Ngoài ra, các bệnh viện phải thành lập trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, tổ dinh dưỡng, tiết chế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Bệnh nhân vào viện phải sàng lọc, đánh giá về dinh dưỡng, hội chẩn dinh dưỡng. Nếu người bệnh chưa đảm bảo dinh dưỡng thì những cử nhân dinh dưỡng sẽ tham gia để tư vấn về chế độ dinh dưỡng nhanh chóng phục hồi hơn.

Cử nhân dinh dưỡng không chỉ làm trong bệnh viện mà ở trong cộng đồng, như xây dựng các bữa ăn đúng chuẩn tại các cơ sở các nhà dưỡng lão, các tổ chức xã hội chăm sóc sức khỏe của quân đội và công an; các viện nghiên cứu về thực phẩm và chế độ dinh dưỡng; các trường học các cấp có bán trú; các nhà máy, xí nghiệp hoạt động lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm; các nhà hàng, khách sạn; các công ty thực phẩm nước ngoài; trung tâm chăm sóc sức khỏe… Cử nhân dinh dưỡng còn tham gia xây dựng kế hoạch dinh dưỡng thể thao, dinh dưỡng học đường…

Ngành dinh dưỡng còn thực hiện vai trò truyền thông, đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn cộng đồng nên lựa chọn những loại thực phẩm, lên thực đơn và xây dựng chế độ ăn uống như thế nào là khoa học, an toàn mà phù hợp nhất có thể để bảo vệ sức khỏe.

TS.BS. Hoàng Thị Bạch Yến cho biết, với vai trò, vị trí của cử nhân dinh dưỡng trong các lĩnh vực ứng dụng như dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng, dinh dưỡng thể thao, dinh dưỡng lứa tuổi, an toàn thực phẩm… chương trình đào tạo được trường triển khai dựa trên chuẩn năng lực. Chương trình đào tạo đại học kéo dài 4 năm. Khi theo học hệ cử nhân dinh dưỡng, các bạn sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu về dinh dưỡng cơ bản, dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng. Được rèn luyện, trau dồi để thành thạo kỹ năng khai thác, thu thập thông tin, chẩn đoán, xử trí vấn đề về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Có khả năng phát hiện được vấn đề dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và đề xuất giải pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả…

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG