Vướng mắc thủ tục giao đất
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì hội nghị.
Doanh nghiệp và thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng |
Như các địa phương khác, Thừa Thiên Huế cũng đang vướng mắc giữa quy định khu đô thị (KĐT) theo pháp luật xây dựng và quy định Nhà nước thu hồi đất đối với DA KĐT theo quy định của Luật Đất đai.
Vướng mắc về các DA đô thị, nhà ở, khu dân cư có yêu cầu phân lô bán nền theo quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
Luật Đất đai quy định đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện DA đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở, quy định như vậy gây khó khăn cho các DA nhà ở chưa đáp ứng 100% đất ở. Một số DA BĐS trên địa bàn thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các nhà đầu tư chưa thực hiện đảm bảo theo đúng quy định.
Cụ thể như các DA Khu phức hợp Thủy Vân - giai đoạn 1, Khu nhà ở An Đông và KĐT Phú Mỹ An đều được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước thời điểm Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2014.
Việc lựa chọn nhà đầu tư là phù hợp theo Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16/4/2009 của Bộ KH&ĐT, hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư DA có sử dụng đất. Các DA này đã được lựa chọn nhà đầu tư trong giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 về thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với DA KĐT, DA khu nhà ở, DA hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.
Tuy nhiên trình tự, thủ tục giao đất, cấp GCNQSDĐ cho các nhà đầu tư chưa thực hiện đảm bảo theo đúng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 122 Luật Đất đai năm 2003, chưa có quyết định giao đất, thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tại hội nghị trực tuyến |
Theo Sở KH&ĐT, do trình tự, thủ tục giao đất, cấp GCNQSDĐ cho các nhà đầu tư chưa thực hiện đảm bảo. Vướng mắc chưa thống nhất xác định áp dụng cơ chế tài chính để giao đất và nộp tiền sử dụng đất trong thời gian dài (theo Thông tư số 192/2009/TT-BTC), nên đến nay có phần diện tích đất đã GPMB, đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư nhưng chưa có văn bản giao đất, chưa được cấp GCNQSDĐ, người dân mua nhà ở thuộc các DA này chưa được cấp GCNQSDĐ, nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng).
Từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Qua đó, thị trường BĐS đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và thị trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng, nhất là thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất nên thị trường BĐS còn gặp khó.
Đồng bộ giải pháp
Tại hội nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tổng hợp những khó khăn vướng mắc ở các địa phương như: công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), xác định giá đất và tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ, pháp luật về đầu tư, về quy hoạch và nhà ở.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, nhấn mạnh, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho thị trường BĐS, thị trường BĐS chưa giải quyết được sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng và nhiều ngành khác.
Phó Thủ tướng đề nghị Tổ công tác của Chính phủ và các địa phương cần xác định rõ vướng mắc do đâu, nếu trách nhiệm thuộc Nhà nước, phải tập trung giải quyết; trách nhiệm thuộc nhà đầu tư, doanh nghiệp…thì vướng ở bộ phận nào, bộ phận đó phải vào cuộc giải quyết.
Trong thời gian tới, Tổ Công tác của Chính phủ sẽ kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý và đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các DA BĐS.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng BĐS để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, DA BĐS và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các DA BĐS của doanh nghiệp.
Đối với các địa phương cần rà soát, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DA BĐS trên địa bàn. Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các DA đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát. Chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng DA nhất là các DA lớn để lắng nghe các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền liên quan đến các thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở.
Doanh nghiệp cần chủ động Yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng DA để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền. Tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của doanh nghiệp và điều kiện thực tế của thị trường. Điều chỉnh lại phân khúc, giá BĐS, phù hợp với thị trường và đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động và thực hiện DA. |