Chuối Việt Nam được bày bán tại một siêu thị ở tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ảnh minh họa: TTXVN

Được biết, đây là Diễn đàn do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) chủ trì. Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 của Diễn đàn này sẽ tập trung vào việc mang lại những cải tiến trong các lĩnh vực, như quyền lao động, bình đẳng giới, tác động môi trường, sản xuất bền vững và các vấn đề kinh tế.

Diễn đàn quy tụ các nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, các hiệp hội người tiêu dùng, các chính phủ, tổ chức nghiên cứu, công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự. Được sản xuất tại hơn 135 quốc gia, chuối là thực phẩm thiết yếu đảm bảo an ninh lương thực cho 400 triệu người, đồng thời là nguồn thu nhập thiết yếu ở nhiều quốc gia đang phát triển.

Tổng Thư ký WBF Victor Prada cho biết: “Chúng ta phải vượt ra ngoài sự hiểu biết hiện tại về tính bền vững kinh tế, để hướng tới các mô hình kinh doanh mới, thân thiện với môi trường và xã hội…”, chẳng hạn như tạo ra các nghiên cứu về thực hành mua hàng có trách nhiệm.

Trong khi chi phí và quy trình chứng nhận vẫn là thách thức đối với nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn, châu Âu và các quốc gia khác đã kêu gọi tăng cường các quy định cho lĩnh vực này, và tin rằng các doanh nghiệp nên hướng tới những tiêu chuẩn cao hơn, với hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện.

Khối lượng xuất khẩu của loại trái cây này đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong 3 thập kỷ qua. Nhưng mức đầu tư cao đã dẫn đến thặng dư trong sản xuất toàn cầu. Điều này kết hợp với sự tập trung trong lĩnh vực bán lẻ, ngày càng bị chi phối bởi các chuỗi siêu thị lớn gây áp lực giảm giá, đã góp phần tạo ra sự mất cân giữa một bên là những người mua lớn và một bên là các nhà sản xuất, ông Pascal Liu, chuyên gia kinh tế cấp cao của FAO nhận định.

Bên cạnh đó, ngành này đã bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, cùng với các hình thái thời tiết bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mang theo mưa lớn và bão, đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà sản xuất châu Mỹ Latinh và châu Á, vốn chiếm hơn 95% thương mại chuối toàn cầu. Từ mức cao trong năm 2019, xuất khẩu đã giảm mạnh trong 3 năm tiếp theo đó, và sự ổn định chỉ vừa được ghi nhận hồi năm ngoái.

Các nhà sản xuất chuối cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào quan trọng như phân bón và nhiên liệu tăng cao, trong khi sức mua của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia bị sụt giảm do lạm phát.

Giá nhiên liệu cao hơn và căng thẳng địa chính trị đã gây ra chi phí vận tải cao hơn, với phí bảo hiểm vận tải đường biển tăng vọt trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đen và Biển Đỏ, cũng như tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến kênh đào Panama.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ FAO)