Nhiều sản phẩm phục vụ thiết thực cho cuộc sống từ thành quả nghiên cứu khoa học |
Lợi thế từ nền tảng thiết chế
Hạ tầng và thiết chế KH&CN của tỉnh khá hoàn chỉnh, gồm các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cùng nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành, địa phương. Với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, các thiết chế KH&CN được quan tâm nâng cấp và hình thành.
Tiềm lực KH&CN được tập trung đầu tư phát triển, đặc biệt là các thiết chế thuộc Đại học Huế, trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, thiết chế y tế chuyên sâu, như Bệnh viện Trung ương Huế, các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tại Huế. Các dự án đầu tư công nhằm phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông được chú trọng. Khu công nghệ thông tin tập trung dần được hình thành, dự án Phát triển chính quyền số của tỉnh đang được triển khai... Đến nay, Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế được công nhận là cơ sở y tế đạt chuẩn quốc tế đầu tiên của miền Trung. Đại học Huế 2 năm liền nằm trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới và Thừa Thiên Huế là địa phương kiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh điển hình của cả nước.
Cơ sở hạ tầng, thiết chế phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh được đầu tư quy mô, hoàn chỉnh |
Để tăng cường tiềm lực KH&CN cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH&CN đáp ứng nhu cầu phát triển KH&CN của địa phương, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 2 dự án nâng cao năng lực của ngành. Cụ thể, 1 dự án giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thực hiện "Xây dựng tổ chức chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt". Dự án thứ 2 do Trung tâm Đo lường Thử nghiệm và Thông tin khoa học thực hiện là "Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000, HACCP) và nâng cao năng lực thử nghiệm, đo lường phục vụ doanh nghiệp và quản lý nhà nước". Ngành KH&CN tiếp tục Đề án Thu thập mẫu vật cho Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2025); xây dựng đề án Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung đến năm 2030, làm cơ sở đầu tư phát triển Bảo tàng trở thành thiết chế KH&CN của khu vực.
Để thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN, tỉnh tiếp tục hoàn thiện đề án thành lập Khu Công nghệ cao đủ điều kiện để Bộ KH&CN thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu thành lập Khu công nghệ cao quốc gia tại Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện thuận lợi gắn kết đào tạo, nghiên cứu - phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao. Đồng hành, phối hợp cùng các sở, ban ngành, Đại học Huế, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh và Viện Nghiên cứu phát triển trong việc kêu gọi, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung; Trung tâm OCOP miền Trung tại Huế; hình thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, định hướng phát triển thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Chi nhánh tại tỉnh.
Nguồn nhân lực dồi dào
Khi nhắc đến đội ngũ trí thức của Thừa Thiên Huế, ngay cả bộ, ngành Trung ương cũng công nhận, Thừa Thiên Huế là nơi có đội ngũ trí thức, nhà nghiên cứu khoa học đứng ở top 3 của cả nước, chỉ sau 2 thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và đứng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, 45 giáo sư danh dự, 318 giáo sư, phó giáo sư của khối Đại học Huế; gần 1.043 tiến sĩ, 3.936 thạc sĩ, 7.787 người có trình độ đại học và 2.358 người được đào tạo chuyên nghiệp, trong đó đội ngũ cán bộ KHCN là 15.124 người.
Thống kê cho thấy, nguồn nhân lực KH&CN tỉnh trong 3 năm qua đã tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Đội ngũ này đã đóng góp tài năng và trí tuệ cho khoa học, tích cực tham gia và đạt các giải thưởng cao về sáng tạo khoa học ở Trung ương và địa phương, cũng như trong xây dựng tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát triển đất nước. Ngoài những thành tựu đạt được của các tổ chức, tập thể, các nhà khoa học của tỉnh đã gặt hái nhiều thành công trên trường quốc tế. Nhiều nhà khoa học nhận giải thưởng danh giá của các tổ chức quốc tế và đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Số lượng bài báo khoa học quốc tế uy tín tăng mạnh. Đã có 1 nhà khoa học nữ đạt Giải thưởng Khoa học L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) năm 2023; 2 công trình được ghi danh Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021 và 3 công trình, đề tài nghiên cứu được ghi danh Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2023; 1 công trình của nhóm tác giả Trường đại học Y Dược, Đại học Huế đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN…
Để tiếp tục phát huy giá trị mũi nhọn này, tại các cơ quan, ban ngành, công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 và giao ngành y tế xây dựng Đề án Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Tại các huyện, thị xã và TP. Huế, nhằm tăng cường tiềm lực KH&CN, hình thành đội ngũ chuyên gia khoa học kỹ thuật giỏi cho địa phương, thời gian qua đã ban hành chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực sau đại học. Phối kết hợp với các viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo để đào tạo, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, hộ nông dân… trên địa bàn
Trên cơ sở tiềm lực về nguồn nhân lực, đội ngũ khoa học dồi dào, năng động, sáng tạo, ngành KH&CN đang tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Trường đại học Y Dược Huế xây dựng thành công mô hình "trường - viện" cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế; hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện đại học Y Dược Huế phát triển năng lực, tiềm lực KH&CN phấn đấu để trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu và phối hợp với Đại học Huế triển khai Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học.