Công viên Trịnh Công Sơn - nơi đặt tượng nghệ thuật cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa được chỉnh trang |
Đồi Vọng Cảnh là thắng cảnh nổi tiếng của Huế, nằm ở khu vực phía tây nam sông Hương, nằm trong quần thể không gian cảnh quan của một số di tích như lăng Tự Đức, Đồng Khánh, điện Hòn Chén... thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Vì vậy, nơi đây không chỉ là một thắng cảnh đẹp, mà còn được ví như “mắt Huế” để ngắm nhìn sông Hương về cả hai phía hạ lưu và ngược lên thượng nguồn. Để phát huy giá trị và khai thác không gian đồi Vọng Cảnh, thời gian qua, TP. Huế triển khai các DA cải tạo, chỉnh trang nhằm đưa địa điểm này trở thành điểm tham quan, ngắm cảnh thơ mộng.
Theo đó, DA triển khai xây dựng lối đi theo các đường mòn đã có đến khu vực bến thuyền bằng đá granite tự nhiên; lắp đặt lan can bảo vệ đường lên từ điểm ngắm cảnh ở bãi bồi; xây dựng điểm ngắm cảnh ở bãi bồi, tường chắn, chòi nghỉ, đồng thời tháo dỡ chòi canh kết hợp phòng cháy, chữa cháy hiện trạng và xây dựng lại chòi canh, phòng cháy, chữa cháy kết hợp khu vệ sinh và điểm ngắm cảnh, hệ thống điện chiếu sáng. Dự án chỉnh trang dựa trên nền tảng bảo tồn, tôn tạo và phát huy được các giá trị sinh thái cảnh quan nơi đây, biến đồi Vọng Cảnh thành điểm ngắm cảnh có đẳng cấp, để Huế có thêm nhiều điểm đến phục vụ cho người dân và du khách. Sau khi đồi Vọng Cảnh được chỉnh trang, các hộ dân xung quanh cũng đầu tư xây dựng hàng quán khiến không gian nơi đây trở nên sầm uất, nhộn nhịp và thu hút khách.
Đầu năm 2024, TP. Huế hoàn thành giai đoạn 1 DA chỉnh trang CV Trịnh Công Sơn, phường Gia Hội, tạo thêm một địa điểm vui chơi giải trí cho người dân và du khách, đồng thời làm vị trí hài hòa với cảnh quan và không gian ở khu vực bên bờ sông Hương để dựng tượng nghệ thuật cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ một khu vực hoang sơ, nhếch nhác, giờ đây CV Trịnh Công Sơn trở thành địa điểm lý tưởng thu hút người dân, du khách với hệ thống đường dạo bộ, điện chiếu sáng và các bồn hoa, cây xanh bao phủ. Dự kiến, giai đoạn 2 của DA sẽ được triển khai sau khi thành phố hoàn thành việc di dời các hộ dân ở dọc tuyến đường Trịnh Công Sơn.
Trên cơ sở đồ án quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương được UBND tỉnh phê duyệt, từ năm 2021 đến nay, TP. Huế tập trung các nguồn lực ưu tiên đầu tư, chỉnh trang khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị Huế ở không gian cảnh quan hai bên bờ sông Hương.
Cùng với các DA kể trên, sắp tới thành phố tiếp tục đầu tư chỉnh trang CV Phú Xuân, đoạn từ cầu Phú Xuân đến chân cầu Dã Viên; CV Lý Tự Trọng đoạn từ khu vực trước UBND tỉnh đến Bảo tàng Hồ Chí Minh; DA chỉnh trang đường dạo từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội; bổ sung hệ thống điện chiếu sáng các CV hai bờ sông Hương…
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngoài công trình cầu gỗ lim do KOICA tài trợ không hoàn lại với kinh phí 64 tỷ đồng, tỉnh và thành phố còn tập trung đầu tư, chỉnh trang nhiều hạng mục, công trình, với tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng, như: chỉnh trang đường đi bộ phía nam sông Hương (đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân), CV 3 tháng 2, Quảng trường CV Lý Tự Trọng, đường đi bộ phía đông cồn Dã Viên, CV Thương Bạc, CV Kim Long… Nhờ vậy, đến nay không gian, cảnh quan khu vực hai bờ sông Hương qua trung tâm thành phố gần như được chỉnh trang hoàn thiện, tạo điểm nhấn cho đô thị di sản Huế, góp phần xây dựng đô thị phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.