BSCKI.Trương Thị Mỹ Phúc dùng hình ảnh phim trên phần mềm trao đổi việc điều trị với bệnh nhân |
Rõ ràng, thuận tiện
Chỉ một vài thao tác, BSCKI. Trương Thị Mỹ Phúc, Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh có thể tìm kết quả chụp phim và trao đổi với bệnh nhân một cách nhanh chóng nhờ việc số hóa bệnh án. Bà Chế T.T. ở TP. Huế được chỉ định chụp X-quang cột sống do thoái hóa cột sống chèn ép thần kinh. Qua điện thoại thông minh, BS. Phúc có thể tổng hợp một số thông tin và kết quả phim chụp (gửi lên nhóm zalo bệnh viện) để giải thích nguyên nhân căn bệnh, phương pháp điều trị để bà T. hiểu rõ, hợp tác. Theo BS. Phúc, đây là bước đột phá lớn, bởi hồ sơ bệnh án được quản lý xuyên suốt từ khi bệnh nhân (BN) nhập viện - xuất viện. Khi BN trở lại điều trị, có thể tìm lại hồ sơ đầy đủ nhằm có phương án điều trị hợp lý. Điều này thuận lợi hơn hồ sơ giấy rất nhiều.
Từ năm 2021, Bệnh viện PHCN đã lên kế hoạch số hóa từng bước dựa trên đặc thù đơn vị. Đến nay, 100% hồ sơ bệnh án được thiết kế và ứng dụng trong hệ thống phần mềm khám, chữa bệnh. Mỗi cán bộ y tế được cấp một tài khoản từ hệ thống HIS (Phần mềm khám, chữa bệnh chung của đơn vị đồng bộ dữ liệu cá nhân của bệnh nhân, lịch sử bệnh) và thao tác trên hệ thống phần mềm. Việc số hóa giảm thiểu thời gian ghi chép, hồ sơ bệnh án rõ ràng, hạn chế tối đa sai sót trong thanh toán BHYT.
Từ việc số hóa, nhân viên y tế dành nhiều thời gian phục vụ bệnh nhân hơn |
ThS.BS Nguyễn Khoa Nguyên, Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh thông tin: “Là đơn vị tự chủ chi thường xuyên, để tiết kiệm kinh phí, trong quá trình làm bệnh viện có một số giải pháp, sáng kiến. Chúng tôi đang xây dựng đề án tiến tới năm 2025 thực hiện hoàn toàn bệnh án điện tử, những năm sau sẽ nâng cấp thông qua ứng dụng thông minh để người dân sử dụng phần mềm nhận được thông tin về tình trạng sức khỏe, tiến độ điều trị. Theo định hướng, sẽ áp dụng điều hành, quản lý bệnh viện trên nền tảng số; phát triển hoạt động PHCN từ xa, đặc biệt cho các bệnh nhân trở về gia đình, được hướng dẫn phối hợp, tập luyện tại nhà thông qua hệ thống".
Dành nhiều thời gian phục vụ bệnh nhân hơn
Tại Bệnh viện Mắt Huế, không phải chờ lâu, anh Hồ Thanh T. đưa con tái khám được chuyển đến gặp bác sĩ với lịch sử bệnh án đầy đủ. Anh T. cho hay: “Phần xử lý thông tin đầu vào khá nhanh nên tôi cảm thấy rất hài lòng. Bệnh nhân và người nhà chúng tôi tiết kiệm thời gian và thông suốt trong khâu khám bệnh là điều mong đợi nhất”. Để tạo được sự thuận lợi cho BN là nhờ vào việc chuyển đổi số ở bệnh viện, trong đó có khâu hồ sơ bệnh án.
Dưới góc độ chăm sóc, hướng dẫn bệnh nhân, theo một điều dưỡng ở bệnh viện này từ số hóa, các mẫu bệnh án cập nhật rõ ràng, sạch sẽ; một số báo cáo trước kia phải viết tay bây giờ thực hiện hoàn toàn trên máy tính. “Ưu điểm lớn nhất là cảnh báo trùng giờ trong khâu tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân nên bộ phận nhập thông tin ban đầu như tụi em đỡ vất vả. Nhân viên có thể tập trung cho công việc chuyên môn nhiều hơn”, người này nói.
Thực hiện khâu khám bệnh và bổ sung hồ sơ, BS Châu Việt Hòa, Phó Trưởng khoa Lác – Nhãn nhi Bệnh viện Mắt Huế nhận xét: “Số hóa giúp rút ngắn thời gian làm hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc, chỉ định các thủ thuật, xét nghiệm cần thiết. Nhờ đó, tăng hiệu suất làm việc cho nhân viên y tế. Sau một thời gian triển khai, đội ngũ IT và y, bác sĩ thiết lập một kênh riêng, trao đổi và khắc phục những vấn đề phát sinh nhằm hoàn thiện phần mềm, tiến tới thực hiện bệnh án điện tử”.
Giai đoạn đầu số hóa, Bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận phần mềm mới, bỏ các biểu mẫu hồ sơ giấy sang thiết lập nền tảng hồ sơ bệnh án điện tử. Với quyết tâm thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, nhân viên có khi phải thức đến 1, 2 giờ sáng phục vụ chuyển đổi dữ liệu kịp thời. Đến thời điểm này, Bệnh viện Mắt Huế đã đạt 100% các chỉ số theo dõi hoạt động khám, chữa bệnh được số hóa: Khám bệnh ngoại trú, thứ tự đến lượt khám, hoạt động điều trị nội trú, đối tượng khám, xuất viện, nhập viện, thống kê số người bệnh theo khoa… Triển khai từ tháng 11/2023 với phần mềm riêng, đơn vị đã số hóa toàn bộ kết quả xét nghiệm, trả kết quả trên phần mềm LIS đáp ứng mức nâng cao theo Thông tư 54/2017/TT-BYT.
Dược sĩ Nguyễn Thị Như Ý, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Điều dưỡng Bệnh viện Mắt Huế cho biết: “Đến hết năm 2023, toàn bộ hồ sơ bệnh án đã được chuyển đổi số về dữ liệu. Hồ sơ in ra đẹp mắt, không còn tình trạng chữ viết khó đọc; giảm thiểu chi phí in ấn hồ sơ biểu mẫu; nhân viên y tế dành nhiều thời gian chăm sóc, phục vụ người bệnh. Thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ bệnh án quy định theo chủ trương Bộ Y tế, chuyển hoàn toàn sang bệnh án điện tử trong thời gian ngắn nhất kết hợp áp dụng chữ ký số”.
Chuyển đổi số ngành y tế là xu thế tất yếu và đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhất là trong việc hình thành cơ sở dữ liệu của ngành. Thực hiện bệnh án điện tử cũng là nền tảng quan trọng hướng đến mô hình “Bệnh viện thông minh”, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng cường sự hài lòng của bệnh nhân. Hiện, trên 95% người dân có mã hồ sơ sức khỏe điện tử, một khi bệnh án điện tử hoàn thiện thì việc cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn; góp phần tiết kiệm ngân sách và quản lý nhà nước hiệu quả.