Thế giới đã đạt dấu mốc lịch sử khi số trẻ tử vong trước 5 tuổi đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 5 triệu trẻ/năm. Ảnh minh họa: iStockphoto. |
Số liệu do Nhóm liên ngành của LHQ về Đánh giá tỷ lệ tử vong ở trẻ em (UN IGME) cho thấy 4,9 triệu trẻ em đã tử vong trước sinh nhật lần thứ 5 vào năm 2022, giảm 51% kể từ năm 2000 và giảm 62% kể từ năm 1990.
“Có rất nhiều tin tốt, và tin quan trọng nhất là chúng ta đã đạt được dấu mốc lịch sử về tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi,... lần đầu tiên đạt mức dưới 5 triệu trẻ tử vong trong một năm,” Bà Helga Fogstad, Giám đốc y tế của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nhấn mạnh.
Được biết, UN IGME được thành lập vào năm 2004 để chia sẻ dữ liệu và nâng cao các phương pháp đánh giá tỷ lệ tử vong ở trẻ em, theo dõi tiến trình đạt được các mục tiêu sống còn của trẻ em và được lãnh đạo bởi UNICEF cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhóm Ngân hàng Thế giới và Ban Dân số tại Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ (DESA). Báo cáo mới này của UN IGME cho thấy các nước đang phát triển như Campuchia, Malawi, Mông Cổ và Rwanda đã đạt được những “tiến bộ đặc biệt đáng chú ý”, với tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ đã giảm hơn 75% kể từ năm 2000.
Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo những thành tựu này vẫn còn “bấp bênh” và không đồng đều. “Tiến trình có nguy cơ bị trì trệ hoặc đảo, ngược trừ khi nỗ lực được thực hiện để khống chế vô số các mối đe dọa đối với sức khỏe và sự sống còn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, báo cáo nêu rõ.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại, cho rằng việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã chậm lại trên phạm vi toàn cầu, và đặc biệt là ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Chặng đường dài phía trước
Tổng cộng, 162 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đã tử vong kể từ năm 2000, 72 triệu trong số đó tử vong ngay trong tháng đầu đời vì các biến chứng liên quan đến sinh nở là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ.
Báo cáo chỉ ra rằng trong độ tuổi từ 1 tháng đến 5 tuổi, các biến chứng do sinh non, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt rét và tiêu chảy trở thành những nguyên nhân chính gây tử vong - những căn bệnh đều có thể phòng ngừa được.
Phần lớn những trường hợp tử vong này xảy ra ở châu Phi cận Sahara và Nam Á, làm nổi bật sự chênh lệnh giữa các khu vực về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
Báo cáo cũng lưu ý rằng bất ổn kinh tế, xung đột, biến đổi khí hậu và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 đang tiếp tục làm suy yếu tiến trình và làm trầm trọng thêm sự chênh lệch hiện có về tỷ lệ tử vong.
Các con số cũng cho thấy sự bất bình đẳng rõ ràng trên toàn thế giới, khi khu vực châu Phi cận Sahara chiếm đến 50% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2022.
Một em bé sinh ra ở các quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao như Chad, Nigeria hay Somalia có nguy cơ tử vong trước sinh nhật lần thứ 5 cao hơn 80 lần so với một em bé sinh ra ở các quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp như Phần Lan, Nhật Bản và Singapore.
Giữa bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu cảnh báo, để đạt được mục tiêu của LHQ là giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 25/1.000 ca sinh vào năm 2030, 59 quốc gia sẽ cần đầu tư khẩn cấp cho sức khỏe trẻ em. Và nếu không có đủ nguồn tài trợ, 64 quốc gia sẽ bỏ lỡ mục tiêu hạn chế tỷ lệ tử vong trong tháng đầu sau sinh xuống còn 12/1.000 ca sinh đã được đưa ra trước đó.
Giữa bối cảnh hiện tại, Tổng Giám đốc WHO cho rằng điều quan trọng là phải cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cho mọi phụ nữ và trẻ em, kể cả trong các trường hợp khẩn cấp và ở vùng sâu vùng xa.
Cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng và cứu sống trẻ em khỏi những ca tử vong có thể phòng ngừa được đòi hỏi phải đầu tư vào giáo dục, việc làm và điều kiện làm việc tốt cho nhân viên y tế để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm cả nhân viên y tế cộng đồng.
Ông Juan Pablo Uribe, Giám đốc Toàn cầu về Y tế, Dinh dưỡng và Dân số tại Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ “để đảm bảo mọi trẻ em được tiếp cận với các cơ hội và chăm sóc sức khỏe như nhau, bất kể chúng sinh ra ở đâu...”.