Thí sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: XUÂN BÁCH 

Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi tốt nghiệp cho học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mục đích kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm ba mục tiêu: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học và công tác quản lý giáo dục; Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và Bộ đã phê duyệt “Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”.

Trong số 4 môn thi của kỳ thi, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, có Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Ngọc Hà, cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được triển khai bảo đảm tính kế thừa, như môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm, giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Đề thi từ 2025 phát triển thêm các dạng thức trắc nghiệm mới để hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần. Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng đúng/sai, phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

Nội dung đề thi của các môn thi chỉ tối đa 4 trang giấy A4, từ đó giảm bớt được khối lượng công việc, giảm bớt rủi ro in sao, ghép tờ đề thi thuận lợi hơn.

Về công tác biên soạn đề thi, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà cho biết, thay vì xây dựng câu hỏi thi theo tính bảo mật, khép kín như hiện nay, ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở, xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành. Các nhà trường, địa phương có những câu hỏi hay, tốt sẽ được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá chất lượng câu hỏi bằng lý thuyết khảo thí, đóng góp vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Theo Nhân dân