Nhu cầu việc làm thêm của sinh viên đang rất lớn |
Lừa đặt cọc để giữ suất dạy thêm
N.T.X.H. là sinh viên đang học sư phạm tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Học sư phạm nên nữ sinh viên này mong muốn tìm kiếm công việc làm thêm là gia sư. Phần có thu nhập trang trải cuộc sống, phần để có thêm kinh nghiệm phục vụ công việc sau này.
N.T.X.H. thường xuyên tìm kiếm các thông tin về nhu cầu học thêm trên địa bàn TP. Huế ở các diễn đàn gia sư. Thấy trang “Gia sư đại học sư phạm” trên facebook đăng thông tin cần giáo viên, sinh viên dạy thêm, cô sinh viên này vào tìm hiểu thì có rất nhiều suất dạy tại TP. Huế phù hợp với khả năng của mình, như dạy online tiếng Anh lớp 8, khu vực Tôn Thất Thiệp, Thuận Hòa, TP. Huế, 3 buổi/tuần với mức học phí 160 nghìn đồng/buổi; tiếng Anh lớp 3 dạy online đường Phan Chu Trinh, An Cựu, TP. Huế, tuần dạy 2 buổi, mức học phí 150 nghìn đồng/buổi; tiếng Anh lớp 10 dạy tại nhà đường Việt Bắc, Vỹ Dạ, TP. Huế, tuần dạy 3 buổi/tuần, học phí 220 nghìn đồng/buổi…
N.T.X.H. kể lại, trang “Gia sư đại học sư phạm” nhìn rất chuyên nghiệp, các suất dạy đều có đánh mã số riêng và có đường link để vào đăng ký. Quá trình đăng ký rất thuận lợi, chỉ nhập địa chỉ email. Khi đã đăng nhập và lựa chọn được suất dạy thì trang này yêu cầu đặt cọc tiền để giữ suất. Mức phí rất thấp, chỉ 100 nghìn đồng/suất. Để tạo thêm lòng tin, trang này còn đưa ra chính sách được đổi lớp, hoàn phí nếu lớp không phù hợp. Vì vậy, nữ sinh viên không ngần ngại chuyển tiền vào tài khoản có trên hệ thống để giữ suất dạy tại nhà ở phường Vỹ Dạ. Nhưng khi trực tiếp đến dạy, thì mới hay tin là đã bị lừa.
Rất nhiều sinh viên sư phạm xác nhận đã bị trang “Gia sư đại học sư phạm” lừa đặt cọc tiền để giữ các suất dạy thêm. Ngoài ra, theo các sinh viên, hiện có rất nhiều trang hoạt động tương tự. Một sinh viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho hay, các trang thường liệt kê rất nhiều suất dạy từ cấp 1 – 3, có thể dạy toán, ngữ văn, tiếng Anh cho đến lịch sử, địa lý…, mở rộng đối tượng để lừa đảo. Mức học phí mà các trang gia sư đưa ra cao hơn khoảng 30% so với thực tế, phí cọc lại chỉ 100 nghìn đồng, thấp hơn so với các trung tâm gia sư đóng trên địa bàn thành phố để “đánh” vào tâm lý của sinh viên.
Sinh viên N.V.C., Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho hay, trong thời gian thực hiện thao tác chuyển cọc thì hệ thống bị lỗi nên không chuyển tiền được, thế là có người ở trang facebook nhắn tin liên tục là phải chuyển tiền nhanh nếu không sẽ có người khác đặt trước. Với trung tâm lớn sẽ không hối thúc một cách “quyết liệt” như thế, nên nam sinh viên nghi là lừa đảo. Đúng như thế, sau đó một ngày, thầy cô trên trường thông tin là trang “Gia sư đại học sư phạm” đang lừa sinh viên.
Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, đã có rất nhiều sinh viên phản ánh bị trang “Gia sư đại học sư phạm” lừa tiền. Thông qua giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các câu lạc bộ trong trường… nhà trường kịp thời thông tin đến các sinh viên cẩn thận tránh bị lừa đảo.
Lừa đảo ngày càng tăng
Vừa qua, nhiều sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế khuyến cáo đến các sinh khác tránh bị một cửa hàng bán các sản phẩm về thực phẩm ở đường Hồ Đắc Di, TP. Huế lừa đảo. Cụ thể, cửa hàng này đăng thông tin tuyển nhân viên bán hàng theo ca khá phù hợp lịch học, mức lương cũng cao hơn nhiều so với làm phục vụ quán cà phê. Khi đến xin việc, nhiều sinh viên “sập bẫy” khi được tư vấn mua các mặt hàng để được nhận làm việc. Nhân viên tuyển dụng còn cho biết, nếu giới thiệu được người khác mua sản phẩm sẽ được % lợi nhuận. Khi đã lỡ mua sản phẩm, các sinh viên mới vỡ lẽ là cửa hàng này lừa vào “ma trận” kinh doanh đa cấp.
Bên cạnh sự tinh vi của các đối tượng lừa đảo, cũng phải nói thêm là nhiều sinh viên có tư tưởng ham “việc nhẹ lương cao” nên rất dễ mắc bẫy. Một dẫn chứng là rất nhiều đối tượng lừa đảo vào các diễn đàn của sinh viên để đăng những công việc rất hấp dẫn. Có thể kể đến: “Có bạn sinh viên khoa văn (Ngữ văn) nào cần ít tiền tiêu sau Tết thì inbox mình ạ. Viết bài văn ngắn thôi ạ, chi phí thương lượng, văn cấp 1, cấp 2 thôi, cần số lượng lớn…”; hay “Mình cần tìm người chữa đề và chữa những dạng bài có trong đề thi môn Đại số đại cương, phí 200 nghìn đồng/2 tiếng”… Cứ thế, nhiều sinh viên chuyển tiền cọc để nhận việc.
Theo Hội Sinh viên Đại học Huế, hiện có rất nhiều chiêu thức lừa đảo việc làm nhắm đến sinh viên, nhất là các sinh viên năm 1 - 2. Trước đây lừa đảo qua mạng chỉ dừng lại ở một số lĩnh vực, nay phức tạp, như bán hàng online hưởng hoa hồng cao, làm thêm các công việc bán hàng, phục vụ tại các quán ăn, cà phê… mức lương cao nhưng phải đóng phí cọc. Thực chất không có công việc nào cả, các đối tượng lừa đảo dựng lên để lừa tiền sinh viên.
Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Huế Lê Chí Hùng Cường đề nghị sinh viên khi tìm việc làm thêm phù hợp thì nguồn giới thiệu phải đủ tin cậy, tránh lấy thông tin từ mạng xã hội không được xác thực rõ ràng. Ngoài ra, sinh viên cần trang bị các kỹ năng cần thiết để nhận diện được những hình thức việc làm có dấu hiệu lừa đảo. Khi đi làm, sinh viên cũng nên chọn những công việc có liên quan đến ngành học để tích lũy kinh nghiệm…