Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, người đang có chuyến thăm làm việc 3 ngày tại Đức, đã nhận được cam kết đầu tư trị giá 4 tỷ USD từ các công ty Đức, sau khi nhận cam kết hơn 1 tỷ USD từ các công ty Mỹ, Bộ Thương mại Philippines cho biết ngày (13/3).

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã kết thúc chuyến công tác thương mại kéo dài 2 ngày tới Philippines vào ngày13/3 với các Giám đốc điều hành từ 22 công ty bao gồm United Airlines, Google, Visa và Microsoft của Alphabet.

Từ lâu, Philippines thường gặp khó khăn trong việc thu hút vốn nước ngoài vì các vấn đề như quan liêu, cơ sở hạ tầng yếu kém và sự không chắc chắn về chính sách, đồng thời mất cơ hội kinh doanh vào tay các quốc gia Đông Nam Á khác có ưu đãi giảm thuế tốt hơn và chi phí hoạt động thấp hơn.

Công ty cổ phần tư nhân KKR sẽ đầu tư 400 triệu USD vào hoạt động và mở rộng tháp viễn thông ở Philippines, Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm qua.

Song song đó, Ally Power - một công ty khởi nghiệp, đã công bố một thỏa thuận trị giá 400 triệu USD với công ty điện lực Manila Electric để xây dựng một trạm tiếp nhiên liệu hydro và điện.

Thông tin từ Bộ Thương mại Philippines cũng cho thấy Microsoft đang hợp tác với ngân hàng trung ương Philippines, các bộ ngân sách và thương mại để xác định cách các sản phẩm AI của họ có thể giúp tăng năng suất.

Tại Đức, Philippines đã ký 8 hiệp định đầu tư bao gồm sản xuất pin mặt trời, cải tiến ô tô và sản xuất xe bọc thép quân sự.

Các thỏa thuận khác bao gồm phát triển trung tâm đào tạo bệnh viện, trung tâm đổi mới và quan hệ đối tác chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, cũng như phục hồi đất nông nghiệp.

Dữ liệu trang web của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cho thấy Philippines đã thu hút 12 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2022, xếp sau Việt Nam với 15,7 tỷ USD và 21,1 tỷ USD của Indonesia.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Business Times)