Dòng tiền lưu thông qua ngân hàng. Ảnh: Ngọc Hòa 

Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng thì không có gì là nghịch lý, qua tín dụng nó phần nào cho thấy bức tranh tổng thể của hoạt động kinh tế đang gặp phải những khó khăn nhất định. Các DN của Việt Nam phần lớn sử dụng đòn bẩy tài chính từ vốn vay ngân hàng khá cao. Chính vì điều này, đáng lý mối quan hệ giữa ngân hàng và DN khăng khít thì mới phải. Giờ đây, mối quan hệ này có vẻ “không khăng khít” nữa. Ngân hàng thừa vốn nhưng tìm khách hàng để cho vay không dễ. DN cần vốn nhưng tiếp cận được vốn của ngân hàng càng khó. Chung quy là hoạt động của DN đang gặp nhiều khó khăn, tình hình tài chính yếu.

Dùng biện pháp “hành chính” để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là một giải pháp khó khả thi. Đơn giản một điều là những khó khăn trong hoạt động và tài chính, các điều kiện đủ để tiếp cận vốn vẫn chưa được cải thiện. Đã như vậy thì dù có kêu gọi như thế nào, đầu ra của ngân hàng vẫn trì trệ. Vì ngân hàng cũng là DN, cũng sợ mất vốn nên mỗi món cho vay đều được đánh giá kỹ những rủi ro. Nếu rủi ro lớn thì chi bằng để nguồn vốn nằm yên đấy, có thêm chi phí lãi suất vẫn an toàn hơn, có khi còn lợi hơn là cho vay với những món vay chưa đánh giá hết những rủi ro. Từ đây chúng ta thấy, để dòng vốn tín dụng được khơi thông, phải bắt đầu từ sự cải thiện về hiệu quả trong hoạt động của DN. Lĩnh vực nào hoạt động khó khăn thì cần cải thiện tình hình dần dần và nguồn vốn tín dụng cũng theo đó tăng dần. Đó dường như là một lựa chọn duy nhất. Vì không thể tăng đột biến việc cung ứng tín dụng ở khu vực này được, xét theo hai chiều: chiều từ ngân hàng và chiều từ DN. Khi DN không đảm bảo chắc chắn là không có rủi ro trong việc trả nợ thì ngân hàng khó mà cho vay. DN cần vốn đấy, nhưng liệu vay rồi có trả được nợ hay không cũng làm cho DN đắn đo.

Thế thì muốn tăng trưởng tín dụng, nên xem xét khu vực kinh tế nào, trong điều kiện hiện tại hoạt động khả thi nhất. Tín dụng sẽ chảy vào đây và từ đó tạo ra sự lan tỏa. Chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản. Những thông tin về thị trường bất động sản ấm dần lên, chúng ta thấy xuất hiện ở nhiều nơi. Tại Hà Nội, giá căn hộ được cho là bị đẩy lên rất cao, có thông tin đưa ra là nó đã cao hơn so với năm 2019 đến 38%. Bỏ qua chuyện căn hộ cao thấp, nhưng nhìn ở góc độ cung ứng tín dụng, lĩnh vực này đang sôi động, đang cần tiền. Rồi năm nay, 2024 cũng cần một nguồn vốn tín dụng không nhỏ cho 130.000 căn hộ nhà ở xã hội (trong dự án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội). DN phát triển nhà ở xã hội cũng cần vay mà người có nhu cầu mua nhà ở xã hội cũng cần vay. Nếu lĩnh vực này bị vướng về mặt pháp lý thì tập trung tháo gỡ pháp lý. Chính sách nhà nước cũng như ngân hàng thiết kế mức lãi suất và thời gian vay đủ sức hấp dẫn thì cũng sẽ khơi thông được một nguồn vốn ngân hàng rất lớn. Lĩnh vực du lịch cũng vậy, đang phục hồi mạnh mẽ. Đây được xem là một khu vực kinh tế tổng hợp gồm nhiều loại hình dịch vụ. Mà dịch vụ nào chẳng cần vốn để mở rộng hoạt động. Tín dụng có thể tìm những giải pháp mạnh mẽ để rót vốn vào đây. Chúng ta cũng có thể xem xét ở lĩnh vực xuất, nhập khẩu, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao…

Nguyên Lê