Xử lý vết thương sâu cho bệnh nhân |
BN tên N.T.Q.N. 5 tuổi ở Lệ Thủy, Quảng Bình.
Chị Nguyễn T.G. mẹ bé kể trước đó, bé qua nhà hàng xóm chơi, trong lúc nô đùa với chó con, N. bị chó mẹ lao vào cắn để lại nhiều vết thương nghiêm trọng trên cơ thể, riêng vùng mặt có nhiều vết thương sâu. Người nhà đã rửa vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, băng vết thương, cầm máu và đưa trẻ vào Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Tại bệnh viện, Q.N. được xử lý, khâu vết thương gần 50 mũi và tiêm phòng huyết thanh uốn ván. Tiếp đó, trẻ được đưa vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh tiêm huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại.
Theo một bác sĩ ở CDC, trường hợp các vết thương do chó cắn ở vùng mặt khá phức tạp; đây là vùng nguy hiểm gần thần kinh trung ương, virus dễ xâm nhập vào não gây viêm não tủy cấp tính. Vì vậy, khi bị chó cắn, người nhà nên xử lý vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy/dùng dung dịch sát khuẩn, đưa ngay người bệnh vào cơ sở y tế xử lý vết thương để được tư vấn tiêm ngay huyết thanh kháng dại, vắc xin dại.
Hiện tại sức khỏe cháu bé đã ổn định, đang theo dõi tại bệnh viện Trung ương cơ sở 2 về vạt da bị thương rộng và sâu có bị hoại tử ở mép vết khâu hay không do vết thương bị rách rộng. BN cũng sẽ tiếp tục được tiêm các mũi vắc xin dại tiếp đến theo phác đồ điều trị.
Trước đó, như Thừa Thiên Huế Online đưa tin, sau tết, số lượng người tiêm vắc xin phòng dại tăng đột biến tại CDC tỉnh. Trong cả nước những ngày gần đây, nhiều phương tiện truyền thông cũng đưa tin cảnh báo về một số tử vong do bệnh dại và tình trạng chó thả rông cắn nhiều người.