Công đoạn đóng gói rất quan trọng và tùy theo hiện vật, chất liệu mà quy trình đóng gói được thực hiện khác nhau |
Trước đó, trụ sở và cũng là nơi trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đóng tại Di tích Quốc Tử Giám, bên trong Kinh thành Huế trong suốt hơn 40 năm qua.
Đảm bảo an toàn cho hiện vật
Những ngày đầu tháng 3, công việc di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang được tiến hành với rất nhiều công đoạn, quy trình chuyên môn. Một trong những công đoạn được xem là quan trọng nhất đó là đóng gói và di dời hiện vật. Để chuẩn bị cho việc đóng gói các hiện vật, trước đó Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã mời một số chuyên gia từ Hà Nội vào tập huấn các kỹ năng phân loại chất liệu, hiện vật, cấu tạo, hình thù, hình dáng; quy trình đóng gói sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho từng hiện vật; lên phương án cho quá trình di chuyển…
Ngoài các hiện vật được trưng bày, có hàng chục ngàn hiện vật khác đang được bảo quản trong kho nên công đoạn đóng gói này phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học và cẩn thận. Theo thống kê, hiện Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang lưu giữ, bảo quản hơn 32.000 tài liệu, hiện vật với các chất liệu như kim loại, sành sứ, gốm, mộc, vải, giấy, đá, da, nhựa, bông, sợi, phim, ảnh tư liệu... Đây được xem là khối lượng hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa quan trọng đối với lịch sử của địa phương, được tích lũy qua các thời kỳ chuyển giao và trong quá trình phát triển của bảo tàng.
Bà Hồ Thị Nam Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng - Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho hay, quá trình đóng gói hiện vật gần như cơ bản hoàn tất. Các công đoạn đóng gói đều rất quan trọng nhưng tùy theo hiện vật và chất liệu mà quy trình đóng gói diễn ra khác nhau. Ví như những hiện vật có kết cấu yếu như chất liệu sành sứ, đơn vị lựa chọn những cán bộ có chuyên môn đánh giá hiện vật, có tính tỉ mỉ để cho đóng gói trước, sau đó mới tiến hành đóng gói các hiện vật bằng những chất liệu khác.
“Trước hết, vệ sinh hiện vật, tiếp đó chúng tôi sử dụng những vật liệu thích hợp, phù hợp với môi trường để đóng gói và đánh số, ký hiệu trên từng thùng hay vỏ bọc hiện vật để tránh thất lạc hay sự cố xảy ra với hiện vật”, bà Phương nói.
Công tác trưng bày đối mặt nhiều khó khăn
Không phải bây giờ việc di dời hiện vật này mới chính thức bắt đầu, mà trước đó vào năm 2022 việc di dời đã được khởi động với sự hỗ trợ của phía quân đội, di chuyển 16 hiện vật khổng lồ là những chiếc xe tăng, máy bay, khẩu pháo… về địa chỉ mới.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, hơn 40 năm sử dụng Di tích Quốc Tử Giám để vừa làm trụ sở cũng như làm nơi trưng bày là thời gian quá dài đối với một thiết chế văn hóa. Theo ông Lộc, trong hơn 40 năm “tạm trú” ở một di tích thuộc Triều Nguyễn bên cạnh những khó khăn, có rất nhiều thuận lợi, trong đó phải kể đến như không gian rộng, cơ sở kho tàng lớn, đảm bảo duy trì việc hoạt động trưng bày chuyên đề, cố định và bảo quản hiện vật. Đặc biệt, vị trí này cũng nằm cạnh Đại Nội và một số điểm tham quan trong Kinh thành Huế nên thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên trải qua thời gian dài, để đáp ứng nhu cầu phát triển thì việc cơ sở hạ tầng vật chất có từ rất lâu, đang xuống cấp thì không đảm bảo yếu tố khoa học, bảo tàng học. Trong khi đó, Di tích Quốc Tử Giám với cấu kiện kiến trúc chủ yếu bằng gỗ hiện đang xuống cấp, dẫn đến ẩm mốc, thấm dột nên việc trưng bày cố định, hay chuyên đề gặp nhiều trở ngại.
Ông Lộc dẫn chứng, công trình chính bên trong Di tích Quốc Tử Giám là Di Luân Đường thường xuyên được bảo tàng tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề lớn. Thế nhưng kiến trúc công trình này chủ yếu bằng gỗ với nhiều dãy cột và tuyệt đối không được can thiệp nên rất khó bày biện, đặt được các hiện vật lớn, tạo sự hấp dẫn người xem. “Mỗi lần như thế chúng tôi phải tính toán kỹ, cẩn thận. Nhưng thật lòng mà nói, với điều kiện cơ sở vật chất như thế rất khó để phục vụ khách tham quan”, ông Lộc trải lòng.
Nói về địa điểm mới - 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế, người đứng đầu Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, sẽ vạch ra chiến lược dài hơi trong việc trưng bày, quảng bá. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ sở, địa bàn các huyện, thị xã hay ngoại tỉnh để góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế và phát huy khối hiện vật đang có trong kho. Cùng với đó nghiên cứu hình thành trưng bày kho mở, bởi không thể để hiện vật lâu trong kho cũng như nếu không phát huy được giá trị sẽ rất lãng phí.
“Lâu dài, chúng tôi sẽ có tính toán, tham mưu xin cấp trên hình thành không gian trưng bày ngoài trời tương đối để phát huy được những hiện vật, tư liệu mà bảo tàng đang lưu giữ một khi về địa điểm mới”, ông Lộc nói thêm.