Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phục dựng, bảo tồn di sản, phát triển du lịch, xây dựng đô thị di sản |
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình Mai Văn Tuất; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Ninh Bình đã trao đổi những việc đã đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phục dựng, bảo tồn di sản, phát triển du lịch, xây dựng đô thị di sản...
Tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi, chia sẻ với tỉnh Ninh Bình về những kinh nghiệm trong trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về trùng tu, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế. Đó là, xây dựng và ban hành kịp thời cơ chế, chính sách; tổ chức, chỉ đạo tốt các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; huy động tối đa các nguồn lực, quản lý và sử dụng nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể; làm tốt công tác nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa; quản lý và công tác pháp lý cho khu di tích cần toàn diện; định hướng đầu tư cần gắn với định hướng phát huy giá trị di tích; giải quyết hợp lý và hài hòa mối quan hệ giữa quy hoạch bảo tồn.
Mục tiêu mà Ninh Bình hướng đến là năm 2035 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Vì vậy, những đề xuất, nội dung trao đổi kinh nghiệm của tỉnh Ninh Bình đã được tỉnh Thừa Thiên Huế phân tích, làm rõ.
Trong đó, đi sâu phân tích, làm rõ hơn những kinh nghiệm liên quan đến việc bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản; thực hiện lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; việc tổ chức giải phóng mặt bằng các dự án nằm trong vùng di sản; huy động, thu hút các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư từ nguồn xã hội hóa; lập quy hoạch, triển khai nghiên cứu khai quật khảo cổ học, bảo tồn tại chỗ các di tích khảo cổ, công tác bảo quản tư liệu, hiện vật và phục dựng, diễn giải các giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học tại khu di tích Cố đô Huế phục vụ phát triển du lịch bền vững; kinh nghiệm về khai thác, bảo quản và trưng bày tại chỗ; việc phối hợp trong công tác quản lý cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là di tích; cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương; kinh nghiệm trong phát triển du lịch, kinh tế di sản, giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, tạo tiền đề, điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đề xuất với Thừa Thiên Huế cùng phối hợp để thúc đẩy, thực hiện các quy trình, tham mưu Trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù |
Qua làm việc, tỉnh Ninh Bình cũng đã đề xuất với Thừa Thiên Huế cùng phối hợp để thúc đẩy, thực hiện các quy trình, tham mưu Trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho loại hình thành phố di sản Cố đô; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản của Việt Nam (Thừa Thiên Huế, Ninh Bình) và các đô thị Cố đô, thành phố lịch sử trên thế giới.
Việc gắn kết di sản cố đố với cộng đồng dân cư truyền thống, lâu đời (di sản quần cư), cảnh quan văn hóa, cảnh quan tự nhiên cùng các thiết chế văn hóa cơ bản, các khu vực sáng tạo nghệ thuật, đồ thủ công; hạ tầng du lịch và hạ tầng kỹ thuật là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công trong việc bảo tồn bền vững các Cố đô.